Sự kiện tập trận đầu tiên trong lịch sử quân sự hai nước diễn ra trên cơ sở căn cứ không quân Korat Royal của lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan. Trong thời gian chiến tranh ở Đông Dương, Mỹ từng bố trí cụm không quân mạnh nhất tại đây.
Hai bên đều không tiết lộ chi tiết về cuộc tập trận chung, đặc biệt là số lượng và chủng loại máy bay tham gia. Đây là cuộc diễn tập quân sự thứ ba của Trung Quốc tính từ khi tàu sân bay Theodore Roosevelt (Mỹ) xuất hiện trên Biển Đông vào trung tuần tháng Mười. Trong khi đấy, hôm 27 tháng 10, tàu khu trục Lassen (Mỹ) đã triển khai hoạt động tuần tra tại vùng biển 12 hải lý gần đảo nhân tạo (thuộc quần đảo Trường Sa) được Bắc Kinh trang bị hạ tầng dân sự và quân sự.
Các lực lượng Không quân và Hải quân Trung Quốc phản ứng bằng diễn tập Lưỡi gươm sắc. Tập trận chung giữa các tàu chiến Trung Quốc và Australia dự kiến từ đầu năm nay cũng được triển khai. Tuy ủng hộ Mỹ đối đầu Trung Quốc, nhưng Australia tuyên bố không tham gia kế hoạch tuần tra của Washington. Điều này được người đứng đầu Bộ Quốc phòng Maris Payne thông báo.
Diễn tập bay của Trung Quốc và Thái Lan là dấu hiệu mới trong mối quan hệ Bắc Kinh và Bangkok sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở Vương quốc hồi tháng Tám năm 2014. Sự lật đổ chính quyền làm nguội lạnh các quan hệ của Thái Lan và phương Tây, trước hết là với Hoa Kỳ, một đồng minh truyền thống.
Nội các quân sự Thái Lan không che giấu xu hướng xích lại gần Trung Quốc và mở rộng hợp tác, tất nhiên trong đó có lĩnh vực quân đội. Cuộc diễn tập lần này là đề án hợp tác quân sự lớn thứ hai của hai nước. Sự kiện thứ nhất là việc Thái Lan muốn mua ba tàu ngầm diesel Trung Quốc tổng trị giá 1,1 tỷ USD. Hợp đồng được phê duyệt vào tháng Năm năm nay nhưng bất ngờ đã bị hoãn lại hồi tháng Bảy. Tướng Pravit Vongsuvan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cho biết, sự tạm dừng này là thời gian cần thiết nhằm giải thích cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc mua các tàu ngầm Trung Quốc.
Thực tế, các tướng lĩnh Thái Lan không hề chơi "trò dân chủ". Nhất là với vấn đề mua tàu ngầm mà các nước láng giềng như Việt Nam, Indonesia, Malaysia đều đã sở hữu, còn Thái Lan lại chưa có chiếc nào. Trong quá khứ, Hải quân Thái Lan từng trang bị những tàu ngầm của Nhật Bản như khoản bồi thường sau Chiến tranh thế giới II. Chiếc cuối cùng trong số này đã rời biên chế vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Vướng mắc với hợp đồng mua tàu có thể là một yếu tố trong cuộc đối đầu của Mỹ với Trung Quốc ở Đông Nam Á. Người Mỹ gây áp lực lên tầng lớp chóp bu Thái Lan, sử dụng các mối quan hệ lâu năm, kể cả trong giới quân sự, — chuyên gia Dmitry Mosyakov Viện Nghiên cứu phương Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga nêu nhận định.
"Không chỉ riêng Thái Lan bị thu hút vào cuộc chơi này mà cả Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Philippines. Tất cả đều đang bị người Mỹ lôi kéo tác động. So với Philippines, Việt Nam và Malaysia, Thái Lan tỏ ra vẻ tương đối thụ động trên mặt trận chống Trung Quốc. Có thể người Mỹ lúc này đang nỗ lực tác động Bangkok."
Theo chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov, các tàu mà Thái Lan muốn mua là nghiên cứu chế tạo mới của Trung Quốc:
"Chúng được chế tạo có cân nhắc và sử dụng các công nghệ Nga mà người Trung Quốc nắm bắt sau khi mua tàu ngầm lớp Varszavyanka và Amur. Theo các chuyên gia, so với đề án của Nga, các tàu này còn thua kém về đặc tính tiếng ồn, Trung Quốc chưa đạt được độ hấp thụ tiếng ồn như của Nga. Tuy nhiên, tàu ngầm Trung Quốc vẫn có độ ồn thấp, có thể coi là thấp nhất trong các lớp tàu cùng loại."
Trung Quốc đang bù đắp cho thất bại bán tàu ngầm bằng cách tăng cường liên lạc với Không quân Thái Lan.