Tại Hội nghị này,Trung Quốc có thể nêu lên ý tưởng tạo ra khu vực thương mại tự do, mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về dự án tạo ra Khu vực mậu dịch tự do châu Á Thái Bình Dương (FTAAP) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái ở Bắc Kinh.
Xét theo mọi việc, chủ đề hợp tác đa phương trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là ở trọng tâm chú ý tại Diễn đàn Manila. Dự án FTAAP của Trung Quốc được nhiều người coi là một phương án thay thế cho ý tưởng của Mỹ tạo ra tổ chức đối tác xuyên Thái Bình Dương. Không phải tất cả các nước trong khu vực đều ủng hộ sáng kiến của Washington, và điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho dự án của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc củng cố sức mạnh kinh tế và ngày càng tích cực nói lên quan điểm của mình về tương lai của sự hội nhập khu vực.
Các chuyên gia lưu ý đến khía cạnh mới trong lập trường của Trung Quốc: Bắc Kinh lần đầu tiên nói về khả năng tạo ra khu vực thương mại tự do (FTA) với các nước công nghiệp. Trước đây, các đối tác của Trung Quốc trong khu vực thương mại tự do chỉ là những quốc gia đang phát triển và những nước nghèo nhất thế giới, mà Bắc Kinh đang cố gắng truy cập thị trường và các nguồn tài nguyên của họ. Còn hiện nay, Trung Quốc đang tích cực làm việc để tạo ra một FTA ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản. Mùa hè năm nay, sau 10 năm đàm phán, Trung Quốc và Australia đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) là một thỏa thuận hết sức quan trọng. Sau khi đạt được thỏa thuận về tất cả các chi tiết kỹ thuật, hai bên sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường rộng mở của nhau. Điều quan trọng nhất đối với Úc là gia tăng khối lượng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc hy vọng sẽ tăng doanh số bán thiết bị điện tử và xe hơi.
Ngoài các dự án trong khu vực Thái Bình Dương, Bắc Kinh đang tích cực thực hiện dự án Vành đai kinh tế con đường tơ lụa, sẽ kết nối Trung Quốc với các nước láng giềng ở phía Tây, trước hết với các nước Trung Á và Nga và sau đó theo hướng châu Âu.