Nếu Malala từng bị chiến binh Hồi giáo địa phương ám hại thì Nabila lại là nạn nhân của máy bay do thám Mỹ.
Tháng 10 năm 2012, một vụ không kích của máy bay không người lái Mỹ đã đổ ập xuống gia đình của Nabila trên cánh đồng gần nhà họ. "Chuyện thật khủng khiếp, cháu không thể nào quên dù là bây giờ," — cô gái cho biết.
Cô bị thương nặng ở cánh tay, em gái cũng trúng thương, người bà đã qua đời ngay trước mắt Nabila. "Tại sao người Mỹ giết hại người dân vô tội? Nếu có tiền mua máy bay và tên lửa, tốt hơn hết hãy dành tiền xây dựng trường học. Đó là thứ mà chúng tôi thực sự cần. Hòa bình không thể đến trên bạo lực… "- Nabila Lefman nói.
Theo ông Shadzad Akbar luật sư của Nabila, trung bình cứ mỗi một chiến binh bị tiêu diệt thì có tới 30 trường hợp thương vong trong dân thường. Những thông tin CIA thu được từ các nguồn tin địa phương không phải lúc nào cũng trung thực. Chỉ vì sự thù hằn mà bất cứ ai cũng có thể bị gán là "kẻ khủng bố". Các máy bay không người lái Mỹ tiếp tục thực hiện không kích, cũng có nghĩa dân thường Pakistan tiếp tục bị thiệt mạng. Tuy nhiên, Mỹ không muốn thừa nhận để xảy ra sai lầm và bồi thường cho nạn nhân. Trường hợp Nabila cũng vậy, khi cô bé đến Mỹ dự buổi điều trần về việc sử dụng máy bay không người lái, — luật sư cho biết.
Ở Pakistan, chỉ 4% số người tử nạn do máy bay không người lái tập kích thực sự là phần tử khủng bố. Kết luận này được thực hiện bởi Cơ quan các điều tra báo chí độc lập của Anh (The Bureau of Investigative Journalism). Một năm ròng, trong khuôn khổ dự án "Gọi tên thần Chết" (Naming the Dead) các nhân viên Cơ quan điều tra báo chí độc lập của Anh đã thu thập thông tin về người chết bởi máy bay không người lái CIA ở trong và ngoài Pakistan. Số liệu cho thấy, trong số hơn 2.300 trường hợp kể từ năm 2004, chỉ có 704 đối tượng đã được nhận dạng. Trong đó 295 người tham gia các nhóm vũ trang khác nhau, 84 người thuộc Al-Qaeda.
Xin được nhắc rằng, cơ sở pháp lý cho các cuộc không kích là đạo luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự (AUMF) được Quốc hội Mỹ thông qua ba ngày sau vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001. Mãi đến tháng 5 năm 2013, Tổng thống Barack Obama mới làm rõ đạo luật liên quan đến Al-Qaeda, Taliban và "các thế lực có liên quan."
Cuộc không kích đầu tiên bằng máy bay không người lái Mỹ nhằm vào các tổ chức cực đoan ở Pakistan được tiến hành vào tháng 6 năm 2004, thể theo thỏa thuận bí mật giữa Washington và Islamabad. Tháng 12 năm 2014, khi những kẻ khủng bố đánh chiếm một ngôi trường ở Peshawar giết chết khoảng 150 người hầu hết là trẻ em, Hoa Kỳ khăng khăng khẳng định các cuộc không kích ở những nơi quân đội Pakistan khó tiếp cận như Waziristan, phía bắc Pakistan, sẽ góp phần tiêu diệt kẻ thù.
Đây cũng là nơi gia đình Nabila Lefman sinh sống. Sau hoạt động không kích ồ ạt của các máy bay không người lái Mỹ trong khu vực, gần một triệu thường dân Pakistan đã trở thành người tị nạn ngay trên mảnh đất quê hương.