Quyết định này được thực hiện tại phiên họp của Ban điều hành IMF ngày 30 tháng 11. Đồng tiền quốc gia Trung Quốc sẽ là thành viên thứ năm trong giỏ tiền tệ dự trữ, sau đồng đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật. Tuy nhiên, không giống như các đồng tiền dự trữ khác, hiện tại, đồng nhân dân tệ chỉ là đồng tiền dự trữ với tỷ giá cố định. Một sự khác biệt với các thành viên khác trong danh sách này là đồng nhân dân tệ không thể được mua và bán tự do. Phải đến năm 2020 đồng tiền quốc gia Trung Quốc mới được chuyển đổi tự do.
Việc đưa nhân dân tệ vào danh sách các đồng tiền dự trữ có thể khiến cho các ngân hàng trung ương thế giới quan tâm hơn đối với đồng tiền quốc gia này. Nhưng tất cả điều đó sẽ phụ thuộc vào tốc độ mà Bắc Kinh có thể mở cửa với thị trường thế giới. "Đây là một mốc quan trọng trên con đường mà chắc chắn sẽ có nhiều cải cách", — người đứng đầu IMF Christine Lagarde cho biết khi đề cập đến các cải cách cơ cấu chủ yếu trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Chúng ta đang nói về các điều kiện để nới lỏng việc gắn đồng nhân dân tệ với tỷ giá cố định và đảm bảo chế độ minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Quyết định của IMF đã không gây bất ngờ trên thị trường, — chuyên gia Trung tâm Dự báo kinh tế của "Gazprombank" Yegor Susin cho biết:
"Quyết định này là chính xác, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc và đồng tiền Trung Quốc từ lâu đã phù hợp với các điều kiện áp dụng cho đồng tiền dự trữ. Quả thật là vẫn còn có những hạn chế liên quan đến thực tế rằng Trung Quốc còn chưa hoàn toàn "giải phóng" chuyển động trên thị trường vốn, và nước này phải thực hiện các cuộc cải cách. Tuy nhiên, ngay cả IMF cũng đã phải tiến hành cải cách từ lâu. Rổ tiền tệ dự trữ đã lỗi thời, không còn phù hợp với cấu trúc nền kinh tế thế giới, cũng không phù hợp với cấu trúc hệ thống tiền tệ và hệ thống tài chính toàn cầu. Đồng nhân dân tệ thực sự xếp thứ năm trong các đồng tiền thanh toán. Và đây chưa phải là giới hạn. Chúng ta đang chứng kiếm mức thanh toán thương mại rất tích cực giữa châu Âu và Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Kim ngạch thương mại Trung-Mỹ hiện tại bằng nhân dân tệ vẫn yếu, vì bị chi phối bởi đồng đô la. Ở châu Á đồng nhân dân tệ cũng bắt đầu chiếm vị trí hàng đầu. Điều này sẽ tăng cường vị thế của Trung Quốc trên thị trường thế giới và làm giảm các rủi ro liên quan với những thay đổi trong chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác. Điều này cũng dẫn đến việc mở rộng vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, về xuất khẩu và khối lượng sản xuất thì Trung Quốc xếp thứ nhất. Đồng thời, hệ thống kinh tế của Trung Quốc trước đây đóng cửa, nên việc tự do hóa liên quan đến việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ toàn cầu sẽ gắn liền với những rủi ro nhất định. Đặc biệt là nguy cơ rút vốn đầu tư, có thể ảnh hưởng đến sự năng động của tỷ giá hối đoái và sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính. Tất nhiên, khi hệ thống khép kín thì dễ quản lý hơn."
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đóng vai trò Ngân hàng Trung ương của nước này, cũng nhận thức được những rủi ro này và thấy được sự cần thiết phải thay đổi. "Chúng tôi cần phải tạo ra sự tin tưởng vào vốn nhân dân tệ từ phía các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời phải ngăn ngừa rủi ro tài chính khi đồng tiền tệ tiến lên cấp độ toàn cầu. Điều này đòi hỏi một loạt các điều phối cải cách tài chính", — ông Sheng Suncheon, Trưởng phòng Nghiên cứu và thống kê Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết.
Và câu hỏi đặt ra là: Ngân hàng Nhân dân sẽ cơ động như thế nào giữa những kỳ vọng của giới đầu tư nước ngoài và các yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng trong nước, không chỉ về mặt chính trị mà cả trong nền kinh tế.