Đây là tuyên bố hôm thứ ba của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại phiên họp của Hội đồng Thủ tướng các nước SCO đang diễn ra ở Trung Quốc.
Ngày 3 tháng 12, trong Thông điệp liên bang năm 2015 gửi Quốc hội, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố sáng kiến thiết lập sự đối tác kinh tế thương mại giữa ba tổ chức này. Thủ tướng Nga nói cụ thể về những bước đi đầu tiên — bắt đầu với việc bảo hộ đầu tư lẫn nhau, loại bỏ các rào cản hải quan đối với thương mại và đồng nhất hóa các tiêu chuẩn hàng hóa. Ở đây nói về việc tạo ra một cơ chế hợp tác trên không gian của ít nhất 18 quốc gia.
Một trong những phương hướng hợp tác có thể là việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Theo ông Dmitry Medvedev, nên tập trung nỗ lực theo hướng này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chia sẻ ý kiến này, ông kêu gọi các nước SCO tạo ra một mạng lưới giao thông vận tải thống nhất trên lục địa Á-Âu. Đề xuất này sẽ giúp Trung Quốc và ASEAN thực hiện kế hoạch nối liền các mạng lưới đường bộ và đường sắt.
Nói về sáng kiến của Matxcơva, ông Dmitry Medvedev lưu ý rằng, những nỗ lực nhằm phá hoại hệ thống quan hệ thương mại quốc tế và tình trạng kinh tế toàn cầu đều là rất nguy hiểm. Ông nhấn mạnh, Nga không phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và các hiệp hội tương tự. Nhưng, các hiệp hội như vậy sẽ tác động như thế nào đến thương mại thế giới, đến số phận của WTO với những quy tắc phổ quát? Sau đây là ý kiến của chuyên gia Viktor Sumsky, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Trường Đại học Quan hệ Quốc tế (MGIMO) của Bộ Ngoại giao Nga:
"Trong trường hợp với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Mỹ không giấu diếm rằng, hệ thống này được thiết kế để phục vụ nhu cầu của họ. Một nhu cầu cơ bản là duy trì vị trí hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Hiệp định TPP phục vụ mục đích duy trì trình trạng khi các nước khác lệ thuộc vào Mỹ. Trong một hệ thống mà giả vờ là mang tính chất khu vực hoặc toàn cầu không thể có sự mất cân bằng như vậy. Tức là, cần phải chú ý và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên".
Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đến sáng kiến của Nga. Chuyên gia Học viện Ngoại giao Trung Quốc Ren Yuanchzhe cho biết:
"Trung Quốc muốn để ba cơ chế này nối liền với nhau trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Và ông Dmitry Medvedev cũng lưu ý đến điều đó. Đây là những nguyên tắc cơ bản cho sự hợp tác giữa quốc gia khác nhau, và Trung Quốc cũng đang xây dựng các mối quan hệ quốc tế trên nguyên tắc hợp tác và cùng có lợi. Sáng kiến của Trung Quốc về xây dựng các mối quan hệ quốc tế mới tương ứng với những gì ông Medvedev nói. Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc cùng có lợi trong sự hợp tác. Vì vậy, việc thiết lập sự hợp tác giữa ba tổ chức là rất quan trọng đối với cả Nga, các nước trong khu vực và Trung Quốc. Ngoài ra, trong quá trình hợp tác nên tuân thủ các nguyên tắc và khuôn khổ đã được lập ra. Tôi cho rằng, các nguyên tắc của Trung Quốc về hình thành những mối quan hệ mới giữa các cường quốc lớn và các nguyên tắc do ông Medvedev nói lên đều là các nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến chung Trung-Nga.