Theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu (Global Terrorism Index) trong năm 2015 trên thế giới đã xảy ra hơn 300 hành vi khủng bố cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Theo ý kiến của chuyên gia Igor Mintusov, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Các chuyên gia tư vấn chính trị Nga, hiện nay chủ nghĩa khủng bố là một bộ phận của thực tiễn chính trị:
“Chủ nghĩa khủng bố tác động rất mạnh vào chương trình nghị sự chính trị. Rõ ràng, chủ nghĩa khủng bố là nguyên nhân chính khiến cho ban lãnh đạo Nga thông qua quyết định tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Đây là một ví dụ nổi bật nhất. Liệu có thể giành phần thắng trong cuộc chiến chống khủng bố? Cần phải đối xử như thế nào với những kẻ khủng bố: thương lượng hoặc tiêu diệt? Ví dụ, Israel có quan điểm dứt khoát rằng, phải tiêu diệt những kẻ khủng bố. Ban lãnh đạo chính trị của Nga cũng nghiêng về ý kiến này. Và thật khó để mà không đồng ý với quan điểm đó khi hành vi của những kẻ khủng bố vượt ngoài khái niệm thiện ác, giết hại dân thường, vì thế không có gì trái đạo đức khi nhà nước tìm cách tiêu diệt điều ác này.
Tuy nhiên, chỉ những người ngây thơ mới có thể tin rằng, nếu chúng tôi tiêu diệt IS thì sẽ xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố nói chung. Khủng bố là một ý thức hệ. Vì thế, cần phải phát triển chương trình toàn diện để chống lại chủ nghĩa khủng bố".
Nhà nghiên cứu cao cấp ở Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới (IMEMO) Ekaterina Stepanova nói:
“Trong 10 năm qua ghi nhận xu hướng số lượng hành vi khủng bố gia tăng thường xuyên, cả về số người thiệt mạng, số người bị thương, về khối lượng thiệt hại vật chất. Nhưng, các hành vi khủng bố phân bố không đều giữa các quốc gia trên thế giới. Ở Iraq và Afghanistan ghi nhận hơn một nửa tổng số hành vi khủng bố. Cuộc xung đột ở hai nước đó khác với cuộc xung đột ở Bắc Kavkaz của Nga, khác với tình hình khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Philippines). Khủng bố có nhiều gương mặt: khủng bố tôn giáo cực đoan, khủng bố dựa trên ý tưởng dân tộc chủ nghĩa hay ly khai, khủng bố cánh tả…. Song, cần lưu ý rằng, dù có nhiều hình thức, nhưng chủ nghĩa khủng bố chỉ có một mục tiêu – biến chính quyền và người dân làm con tin để phục vụ lợi ích của chúng”.
Tháng Năm năm nay, ở Nga sẽ đón tiếp Giải vô địch khúc côn cầu thế giới, và trong năm 2018 — Giải vô địch bóng đá thế giới. Nhật Bản đang chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic năm 2020. Theo chuyên gia Stepanova, cơ quan đặc nhiệm của cả hai nước phải áp dụng (và chắc là sẽ áp dụng) các biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố.