Dĩ nhiên, kế hoạch của Bình Nhưỡng đang gây những phản ứng vô cùng tiêu cực ở các nước xung quanh. Bộ Ngoại giao Nga đã chuyển tới Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Nga Kim Hyun Joong thông điệp kêu gọi kiềm chế những hành động có thể dẫn đến leo thang căng thẳng ở Đông Bắc Á, quay về định dạng giải quyết vấn đề bằng chính trị ngoại giao.
Nhật Bản tin rằng vụ phóng này là bước tiến mới trong chương trình quân sự của Bắc Triều Tiên nhằm chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tokyo đe dọa sẽ bắn hạ nếu tên lửa vi phạm không phận nước này.
Bình Nhưỡng vẫn khẳng định chương trình không gian của nước này hoàn toàn mang tính hòa bình. Vệ tinh Quang Minh Tinh (kwangmyŏngsŏng) sẽ ở trên quỹ đạo trong khoảng bốn năm và chuyển giao số liệu quan sát bằng tần số siêu cao. Tuy nhiên, Phó Giáo sư Bộ môn Chính trị học và xã hội học Trường đại học Kinh tế Nga Alexander Perendziev nhận định với Sputnik rằng, chương trình không gian của Bắc Triều Tiên là trò bịp bợm:
“Hãy hình dung một đất nước phải có cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật ra sao để phát triển chương trình không gian trong điều kiện lệnh trừng phạt, chỉ hoàn toàn dựa vào nội lực! Bắc Triều Tiên không có những khả năng như vậy. Năm 2012, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố phóng tên lửa thành công. Dựa vào đó có thể nói nước này sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa đẩy. Còn đối với vệ tinh hoặc nó có mặt không lâu trên vũ trụ, hoặc đó chỉ là hàng giả. Việc phóng vệ tinh không lâu sau thử nghiệm bom "hydro", có lẽ là nhằm chứng tỏ trình độ công nghệ phát triển của Bắc Triều Tiên, khẳng định thực tế Bình Nhưỡng sở hữu phương tiện mang vũ khí hạt nhân. Nhưng động thái của Bình Nhưỡng chỉ càng thêm “tiếp tay” các nước láng giềng, biện minh cho việc thúc đẩy cải cách quân sự của Thủ tướng Nhật Bản, cho sự triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và mở rộng hiện diện Hải quân Mỹ ở khu vực… Vụ phóng cũng có thể nhằm làm phấn chấn người dân Bắc Triều Tiên trước Đại hội lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên, được dự kiến vào tháng 5 năm nay. Xin lưu ý, đại hội lần cuối cùng đã diễn ra cách đây 36 năm.”
Điều duy nhất mà Bắc Triều Tiên tìm kiếm là được thương lượng trên cơ sở bình đẳng, — ông Alexander Zhebin, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên Viện Viễn Đông nêu ý kiến.
“Người Bắc Triều Tiên nhận thấy người ta không muốn nói chuyện với họ, không muốn tìm kiếm thỏa hiệp như trường hợp Iran. Do đó, Bình Nhưỡng dùng đến những động thái gay gắt nhằm buộc Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ chấp nhận cuộc đối thoại trên cơ sở bình đẳng. Đây là lập trường nguyên tắc của Bắc Triều Tiên.”