Đó là trường hợp điển hình về khai thác "quyền lực mềm" thông qua dân chủ và cải cách kinh tế trong nước, kết hợp công tác ngoại giao sắc sảo cho phép Ankara đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột khu vực.
"Chính sách ấy giờ đây đã đổ gục. Nó trở thành nạn nhân của bước ngoặt bất ngờ trong "mùa xuân Ả Rập", của sự ngạo mạn và các tính toán chính trị sai lầm," — ông Barkey viết. Ankara đã phá hỏng quan hệ với hầu hết các nước láng giềng cũng như với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nga.
Khi "mùa xuân Ả Rập" bùng nổ năm 2010, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bỗng quả quyết Ankara phải là người "điều khiển những trận cuồng phong ở Trung Đông. "Thế nhưng thành công rực rỡ đã kéo dài không lâu. Đầu tiên, chính phủ "Huynh đệ Hồi giáo" ở Ai Cập được Ankara ủng hộ bị lật đổ hoàn toàn. Người Thổ không có cách nào bình thường hóa lại quan hệ với chính phủ mới ở Cairo. Thế nhưng sự cáo chung cho những tham vọng đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ lại đến từ Syria," — tác giả nhận định.
Trước "mùa xuân Ả Rập", các tổng thống Syria và Thổ Nhĩ Kỳ từng duy trì mối liên lạc thân thiện, ở cả cấp độ cá nhân. Vậy mà sau làn sóng bạo lực năm 2011 leo thang thành cuộc nội chiến ở Syria, thủ lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã không ngần ngại vạch trần ông Assad là nhà độc tài và kêu gọi lật đổ tổng thống Syria. Bashar al Assad kiên trì bảo vệ quyền lực. Mâu thuẫn giữa tham vọng và thực tế đã làm Erdogan đánh mất bình tĩnh, — ông Barkey viết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chỉ trích việc Hoa Kỳ khước từ can thiệp vào cuộc xung đột Syria. Ankara cho phép các chiến binh Hồi giáo cực đoan sử dụng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để thâm nhập nước láng giềng. "Nhiều chiến binh trong số đó đã gia nhập "nhà nước Hồi giáo" và góp phần làm cho tổ chức trở thành một lực lượng như ngày nay," — chuyên gia Barkey giải thích.
Đồng thời, các sự kiện ở Syria đã giáng "đòn chí tử" vào tiến trình hòa bình giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd. Bế tắc tiếp đến của ông Erdogan là sự can thiệp của Nga vào xung đột Syria từ phía ông Assad," — chuyên gia người Mỹ viết. Vụ cường kích Nga bị bắn hạ đã dẫn đến loạt động thái đáp trả của Moskva trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Theo Barkey, "Erdogan đã đánh giá thấp ông Putin. Hành động tấn công cường kích Nga xuất phát từ nỗi bất mãn của Erdogan trước những thất bại tại Syria, trước sự chứng kiến Nga và Iran thành công hỗ trợ quân đội chính phủ Syria chống các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria".
Henry J. Barkey kết luận: Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ không còn thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Mong muốn hiện diện ở mọi nơi của ông Erdogan và lập trường không lay chuyển không ai được phép hoài nghi đều đang chứng tỏ chính sách đối ngoại là sản phẩm thế giới quan, những ý tưởng kỳ quặc và sở thích cá nhân của Recep Erdogan. Điều này sẽ làm các vấn đề chính trị đối nội và đối ngoại của Ankara thêm trầm trọng, cũng như khắc sâu mâu thuẫn với các nước đồng minh truyền thống.