Các nghiên cứu gần đây đã được khởi xướng từ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc về phát hiện chất phóng xạ trong các mẫu cá minh thái và cá tuyết đánh bắt ở vùng biển của Nga. Họ kết luận rằng nồng độ hạt nhân phóng xạ cesium-137 và strontium-90, được chuyên gia Hàn Quốc phát hiện trong các mẫu cá minh thái và cá tuyết tương ứng là 0,37 và 1,09 becơren/kg (Bq/kg). Các chỉ số này thấp hơn tiêu chuẩn vệ sinh cho phép của LB Nga.
Một số chuyên gia Nhật Bản và Mỹ nói rằng việc tiếp tục giám sát bức xạ cá biển Thái Bình Dương là không cần thiết. Điều đó có đúng không? Giám đốc viện hải dương học Thái Bình Dương, tiến sĩ khoa học sinh học Vladimir Rakov nói:
"Những loài cá không di chuyển và cư trú vĩnh viễn ở một chỗ thì phân tích chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng cá trích, mực, cá salaka liên tục di chuyển từ bờ biển Nhật Bản tới bờ biển của chúng tôi thì cần phải theo dõi. Bởi vì cá là chỉ số về độ sạch của biển. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải tiếp tục tiến hành giám sát. Khi mà các khu vực xung quanh Fukushima vẫn duy trì như Chernobyl và vấn đề đóng cửa nhà máy vẫn bảo lưu thì công việc quan sát các sinh vật biển phải được tiếp tục. Đặc biệt là trong khu vực vùng biển Nhật Bản và vùng biển Viễn Đông của Nga. Tuy nhiên, người Nhật không cho phép vượt quá khu vực kinh tế của họ. Nếu họ cởi mở hơn và cho phép các nhà khoa học của chúng tôi lấy mẫu nước, cá và động vật nhuyễn thể, chúng ta sẽ có bức tranh chính xác hơn về tình trạng khu hệ cá trong khu vực.”
Theo ông Vladimir Rakov, bức xạ không phải là yếu tố tồi tệ nhất đang đe dọa đời sống biển. Điều tác động tiêu cực nhiều hơn vào những con cá sống ở vùng biển là các công trình xây dựng khác nhau ven bờ. Trước hết, các công trình đó tiêu diệt các sinh vật phù du, vừa có tác dụng thanh lọc các tạp chất có hại trong nước, vừa là thức ăn cho các loài động vật biển.