"Chúng ta đã đem lên quỹ đạo gần Trái Đất số lượng vật thể nhân tạo mà sau 10-20 năm nữa có thể tước của chúng ta khả năng truy cập không gian," — nhà khoa học cho biết.
"Không gian gần Trái đất nhiều rác tới mức nảy sinh mối đe dọa là chúng ta sẽ không thể bước tiếp vào không gian. Mỗi mảnh rác vũ trụ di chuyển vận tốc hàng ngàn km/giờ có sức tàn phá khủng khiếp. Hiện nay, các chuyên gia đang nghiên cứu loạt phương pháp đối phó với rác vũ trụ, thậm chí bằng… vũ khí hạt nhân. Nhưng việc làm này là vô nghĩa và không cần thiết. Nó không khác gì nã pháo vào chim sẻ. Các nhà khoa học tích cực phát triển những phương pháp mới, từ dùng lưới cho đến tia laser."
Theo ước tính của giới nghiên cứu Nga, trên quỹ đạo gần Trái đất hiện có khoảng 750 triệu vật thể rác nhân tạo kích thước trên 1 mm. Các mảnh rác va vào nhau càng vỡ vụn và làm tăng số mảnh vỡ. Đây là mối đe dọa thực sự cho các vệ tinh và trạm vũ trụ quốc tế ISS, vốn không ít lần đã phải điều chỉnh đường bay tránh va vào rác. Người tiếp tục chủ đề này là ông Vladimir Agapov, lãnh đạo chương trình khoa học thu thập và phân tích thông tin các vật thể vũ trụ có nguồn gốc công nghệ.
"Đánh mất vệ tinh là tổn thất trị giá lớn, các chi phí sản xuất và phóng vệ tinh mới. Cần có thời gian khắc phục. Trong thời gian này, vệ tinh thương mại sẽ mất lợi nhuận, thậm chí cả nguồn kinh doanh. Đã có nhiều giải pháp kỹ thuật được đưa ra: thu dọn rác, dẫn chúng ra khỏi quỹ đạo bằng thiết bị "kéo" đặc biệt, các hệ thống dây điện trường. Có đề xuất triển khai lưới thu gom những mảnh vụn. Nhưng tất cả đều mới ở dạng dự án. Chúng có được thực hiện hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là yếu tố kỹ thuật:đòi hỏi tạo dựng những hệ thống phức tạp. Yếu tố thứ hai — an toàn. Làm cách nào để việc thu dọn rác vũ trụ không làm tổn hại tới các vệ tinh đang hoạt động. Và cuối cùng là yếu tố pháp lý. Mỗi đối tượng nhân tạo trong vũ trụ đều thuộc về một quốc gia nhất định. Có nghĩa là cần có sự cho phép…"
Hầu hết các quốc gia tham gia vào chương trình không gian đều đóng góp cho sự gia tăng rác trên quỹ đạo. Nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề, họ đã lập Ban điều phối quốc tế về rác không gian (SDPA). Theo quy tắc hiện nay, các cường quốc vũ trụ cam kết đưa thiết bị đã hết hạn sử dụng ra khỏi quĩ đạo gần Trái đất.
Các nhà khoa học tin rằng, giải pháp cho cho vấn đề thu dọn rác từ không gian gần Trái đất gắn liền với sự phát triển các loại hình năng lượng mới, với việc nghiên cứu các tính chất vật liệu mới và công nghệ laser.