Nhưng tàu hải dương học mang tên ông thì có nhiều người biết. Trong vòng ba thập kỷ, con tàu này thường xuyên tiến hành các cuộc thám hiểm nghiên cứu dọc theo bờ biển Việt Nam, nhiều lần ghé cảng Hải Phòng và Nha Trang.
Mục đích các cuộc thám hiểm là nghiên cứu hệ sinh thái biển ở Việt Nam, phát triển phương pháp bảo tồn đa dạng sinh học trên các rạn san hô và cứu những rạn san hô đó. Ngoài ra, các nhà khoa học tìm kiếm các hoạt chất mới, trên cơ sở chúng có thể chế tạo dược phẩm thế hệ mới.
Vào đầu cuộc thám hiểm, các nhà khoa học Nga đã tiến hành nghiên cứu độc lập. Tuy nhiên gần đây, càng ngày sự hợp tác với các chuyên gia Việt Nam càng trở nên thường xuyên hơn. Người đứng đầu chuyến thám hiểm năm 2013, ông Dmitry Aminin cho biết:
“Trước đây, chúng tôi chỉ sử dụng Việt Nam như là nền tảng cho công việc của mình. Bây giờ, lần nào chúng tôi cũng tiếp nhận các đồng nghiệp Việt Nam, cùng họ tiến hành nghiên cứu chung. Các nhà bác học Việt Nam thực sự giúp chúng tôi rất nhiều. Trước hết, họ giúp chúng tôi định nghĩa các loài động vật biển, vi sinh vật, tảo địa phương. Trong chuyến thám hiểm mà tôi là người phụ trách, có 36 người Nga và 12 chuyên gia Việt Nam.”
Các thành viên của đoàn thám hiểm đã xác định một số chất có thể được ứng dụng trong ngành công nghiệp dược phẩm. Những chất này có chứa trong động vật biển, chủ yếu là loài không xương sống. Các nhà khoa học đã thu thập được hơn 400 loài động vật loại này và tiến hành xét nghiệm sinh học. Họ phát hiện nhiều hợp chất có triển vọng — đặc biệt, để chế tạo các loại thuốc chống ung thư và miễn dịch.
Các thành viên của đoàn thám hiểm cũng phát triển phương pháp cứu rạn san hô và phục hồi hệ sinh thái trên các rạn này. Bởi vì rạn san hô là môi trường sống quan trọng cho sinh vật phù du và cá nhỏ ăn các sinh vật phù du đó. Đến lượt mình, cá nhỏ lại là thức ăn cho cá lớn. Vì vậy, nếu không có san hô thì sẽ không có các loài hải sản.
Đối với một số rạn san hô, thành viên của đoàn thám hiểm đã quan sát trong khoảng 30 năm. Họ kiểm tra, xác định mức độ mà các rạn đó đang phải chịu sự phá hủy hoặc phục hồi do kết quả ảnh hưởng của con người và tự nhiên. Họ đánh giá sự đa dạng sinh học, nghiên cứu cuộc sống sôi nổi xung quanh các rạn san hô, phân tích chất lượng nước biển và đáy. Mối quan tâm lớn nhất là tình trạng các rạn san hô trong vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, tại các khu vực ven biển khác đã gia tăng rất nhiều rạn san hô mới, thậm chí xuất hiện một vài loài mới.
Tính đến tháng Tư năm nay, dự kiến sẽ có cuộc thám hiểm trên tàu "Viện sĩ Oparin." Lần này không chỉ các nhà khoa học Việt Nam, mà còn có sự tham gia của đại diện từ Philippines. Họ lên tàu "Viện sĩ Oparin" tại Nha Trang, nơi tàu sẽ đến từ Vladivostok. Và sau đó, trong vòng hai tháng, các nhà khoa học sẽ tiến hành nghiên cứu trong vùng biển Việt Nam và Philippines.