Hoạt động này tập hợp sự tham gia của năm chục nhà khoa học chính trị từ thủ đô Nga, Saint-Peterburg và Vladivostok. Các nhà báo Nga và Việt Nam được mời dự đã tác nghiệp phản ánh diễn biến Hội thảo với những báo cáo tham luận đi sâu phân tích nhiều khía cạnh đa dạng và phong phú trong chủ đề chung.
Giáo sư Vladimir Kolotov, lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg đã đặc biệt lưu ý tới vấn đề nhân sự của Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua.
Chuyên gia Kolotov nhận định: "Đó là những quyết định rất quan trọng đối với tương lai của Việt Nam. Từ hải ngoại dấy lên chiến dịch tuyên truyền khá ráo riết bộc lộ mục đích quảng bá kích động sự xung khắc va chạm giữa những cá nhân đại diện cấp cao của Việt Nam. Nhưng các nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt lợi ích chung lên trên tham vọng cá nhân, bằng cách đó phá vỡ kế hoạch của những đối tượng thù nghịch toan tạo ra cuộc khủng hoảng xáo trộn trong thượng tầng của đảng cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động bầu chọn ra các vị lãnh đạo, những người sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam một cách tối ưu".
TSKH Vladimir Mazyrin nói: "Còn Hoa Kỳ tỏ ra sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ như vậy. Mới đây đã vang lên kiến nghị tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Nhưng sự hỗ trợ từ nước Mỹ sẽ có kết cục như thế nào thì ai cũng rõ. Và ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Việt Nam cũng hiểu, có những hệ quả tiêu cực nào tiềm ẩn nếu như giải quyết vấn đề an ninh quốc gia với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Có thể nhận thấy rằng trong ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản đã có sự cân nhắc để đạt tới điều hòa lập trường, tránh xu thế nghiêng về phía Mỹ quá mức. Tôi cho rằng ban lãnh đạo mới ở Việt Nam sẽ giữ cách tiếp cận cân bằng trong nội dung an ninh quốc gia và thể hiện sự thận trọng trước những lời hứa hẹn của người Mỹ. Một chi tiết đáng chú ý là trong thành phần ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản gồm nhiều cựu sinh viên từng tốt nghiệp các trường đại học Nga".
Hội thảo tại Matxcơva có ý kiến rằng trong báo cáo tổng kết của Đại hội đảng Cộng sản XII không nhắc gì tới nước Nga. Tuy nhiên, một chuyên viên từng nhiều năm làm việc tại Việt Nam là nhà phân tích chính trị Evgeny Kobelev đã đưa ra kiến giải sâu sắc.
Ông Kobelev phân tích: "Trong báo cáo nói rằng Việt Nam sẽ phát triển quan hệ chặt chẽ với các đối tác chiến lược của mình và các cường quốc. Mà LB Nga thì có cả hai định tính trên, Nga là đối tác chiến lược của Việt Nam và Nga là một cường quốc. Còn về quan hệ đối tác của hai nước chúng ta, thì gần đây có phần nào tác động bởi quan hệ Việt-Trung. Đôi khi tại Việt Nam vang lên câu hỏi băn khoăn: tại sao Nga không đi với chúng ta, tại sao Matxcơva giữ vị thế trung lập? Câu trả lời chỉ có một: Nga đã, đang và sẽ luôn cùng với Việt Nam, như được viết trong Tuyên bố của chúng ta về quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, các đối tác chiến lược của chúng ta là Việt Nam cũng như Trung Quốc. Do đó, chúng ta muốn để họ giải quyết vấn đề của mình sau bàn đàm phán và để giữa họ là mối bang giao thân thiện".
Trả lời phỏng vấn của đài "Sputnik", ông Phạm Đức Vinh Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã dẫn ra kết quả chung của Hội thảo. "Các nhà khoa học chính trị Nga đã thảo luận hàng loạt đề tài liên quan đến Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam XII và sự phát triển tiếp theo của Việt Nam. Hội thảo đã hoàn thành trọn vẹn những mục đích đề ra".
Trong thời gian gần tới, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN sẽ xuất bản tập sách nhỏ với những tài liệu cơ bản của Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam XII được dịch sang tiếng Nga. Sẽ công bố cả những báo cáo và bài nghiên cứu trình bày tại Hội thảo chuyên đề về Đại hội này.