Hơn nữa, vào đầu tháng Hai, các nhà chức trách Hàn Quốc đã thông báo rằng, họ bắt đầu cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về việc bố trí trên bán đảo Triều Tiên hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ để chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Bắc Triều Tiên.
Ông Alexander Vorontsov, Chủ nhiệm Ban Triều Tiên Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, mặc dù việc đe dọa lẫn nhau đã trở thành một thói quen thường lệ trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul, nhưng, trong năm nay đã xuất hiện một yếu tố mới: "Đáng tiếc, tình hình năm nay đã trở thành căng thẳng hơn do một số lý do khác nhau. Ngày 6 tháng Giêng, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4, rồi vào ngày 7 tháng Hai đã phóng vệ tinh thứ hai lên quỹ đạo Trái đất. Cộng đồng quốc tế lên án hành động này bởi vì nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ đã cấm Bắc Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thậm chí tuyên bố rằng, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã rơi vào một giai đoạn mới được đánh dấu bởi việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống CHDCND Triều Tiên và sự cô lập ngày một tăng của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, những lời đe dọa của Bắc Triều Tiên chủ yếu là phản ứng với tuyên bố vô trách nhiệm của một số nghị sĩ Hàn Quốc. Trong Quốc hội Hàn Quốc đã vang lên lời kêu gọi loại bỏ ông Kim Jong-un, tức là kêu gọi ám sát nhà lãnh đạo của một quốc gia độc lập thành viên LHQ. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Hàn Quốc không giấu diếm rằng, họ sẽ diễn tập tấn công cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng".
Lời tuyên bố của Bắc Triều Tiên về vụ tấn công phủ đầu cả Mỹ lẫn Hàn Quốc có thực sự đe dọa hay không? Dưới đây là ý kiến của chuyên gia Alexander Vorontsov: "Các chuyên gia hạt nhân, kể cả giới chuyên gia Nga, có những nghi ngờ về kết quả vụ thử nghiệm gần đây nhất mà Bắc Triều Tiên gọi là "cuộc thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch". Tuy nhiên, các chuyên gia không phủ nhận rằng Bình Nhưỡng đã đạt được tiến bộ trong quá trình thực hiện chương trình tên lửa hạt nhân. Vì vậy không nên phóng đại quá mức, và cũng không nên đánh giá thấp tiềm năng của Bắc Triều Tiên. Chắc là Bình Nhưỡng đã tính toán rằng tên lửa của họ đủ sức đạt tới căn cứ chiến lược của Mỹ trên đảo Guam. Và xét theo mọi việc, quân đội Mỹ cũng biết về điều đó. Trong năm 2013 khi bùng nổ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ liên Triều, Hoa Kỳ đã nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ trên đảo Guam. Tức là, Mỹ đánh giá đúng thực tế tiềm năng của Bình Nhưỡng".
Năm nay, sự căng thẳng đã tăng mạnh. Theo ý kiến của chuyên gia Alexander Vorontsov, chính bởi vậy tất cả các bên nên thể hiện thái độ kiềm chế. Đùa với lửa trên bán đảo Triều Tiên là đặc biệt nguy hiểm.