Gói biện pháp trừng phạt được thông qua cấm vận chuyển nhiên liệu hàng không và tên lửa đến Bắc Triều Tiên và cấm bán vũ khí thông thường cho nước này. Tất cả hàng hoá đến Bắc Triều Tiên và theo hướng ngược lại sẽ chịu sự kiểm tra. Đặc biệt là hạn chế xuất khẩu từ Bắc Triều Tiên than đá, sắt, vàng, titan, kim loại đất hiếm và các khoáng chất tự nhiên. Đồng thời cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với ngân hàng Triều Tiên.
Để chuẩn bị bản nghị quyết này nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Liên Hợp Quốc 20 năm qua, đã phải mất gần hai tháng. Thương lượng kéo dài về văn bản nghị quyết được tiến hành giữa Mỹ và Trung Quốc. Kết quả là Bắc Kinh đã đi tới các biện pháp trừng phạt chưa từng có để gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Chuyên gia Học viện Ngoại giao Trung Quốc Ren Yuanchzhe nói:
"Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên vì Trung Quốc thường xuyên ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Các thử nghiệm tên lửa và khởi động hạt nhân của Bắc Triều Tiên mâu thuẫn hoàn toàn với điều đó, trái với nguyện vọng của cộng đồng quốc tế. Bắc Triều Tiên tiếp tục sử dụng các biện pháp khiêu khích, và nếu như quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên đã xấu đi, thì đó là kết quả của những hành động khiêu khích như vậy. Tôi hy vọng rằng trong tương lai Bắc Triều Tiên sẽ sẽ tỉnh ngộ ra. Bởi vì mục đích chính của lệnh trừng phạt không phải là bóp nghẹt nền kinh tế của Bắc Triều Tiên, mà để cho Bình Nhưỡng trở nên lý trí hơn nhằm đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực này."
Nga có lợi ích kinh tế ở Bắc Triều Tiên, mà không liên quan gì với sự phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Chẳng hạn dự án khá quan trọng như xây dựng đường sắt tới CHDCND Triều Tiên, qua đó than Nga được xuất khẩu sang châu Á. Một ngày trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt chống CHDCND Triều Tiên, Moskva đã tổ chức tham vấn với Washington để đảm bảo rằng lợi ích kinh tế của mình không bị ảnh hưởng. Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Alexander Vorontsov, chuyên gia Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện hàn lâm khoa học Nga nói:
"Nga đã thực hiện các nỗ lực nghiêm túc để bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình. Mặt hàng chính mà Nga sẽ gửi đến cảng Rajin, sau đó đi đường biển để đến với các nước châu Á-Thái Bình Dương, là than đá. Tại thời điểm này than được xuất khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc. Dự án này đã được bảo vệ và không phải chịu lệnh trừng phạt. Điều này, tất nhiên, có thể coi như chiến thắng của ngoại giao Nga."
Bắc Kinh và Moskva bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này, dựa trên thực tế là nghị quyết khuyến khích bắt đầu cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đề xuất đồng bộ đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng cách chuyển chế độ ngừng bắn, có hiệu lực trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1953, thành thỏa thuận hòa bình. Ý tưởng này đã được Ngoại trưởng Vương Nghị công bố tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, và sau đó tranh thủ sự ủng hộ của Moskva trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Có lý do để tin rằng trong tương lai gần những cuộc đàm phán như vậy có thể trở thành hiện thực.