Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Esihide Suga gửi công hàm phản đối cho Washington, yêu cầu nhà chức trách Mỹ tăng cường trật tự kỷ luật của quân nhân ở Okinawa và không để tái phát những sự cố tương tự.
Trước đấy, ban chỉ huy quân sự Mỹ đã áp lệnh giới nghiêm cho quân nhân đang đóng quân tại Nhật Bản và cấm uống rượu bên ngoài các căn cứ. Nhưng theo nhận xét của nhà Đông phương học Nga Anatoly Koshkin, những nỗ lực này đã và sẽ không thể làm thay đổi tình hình:
"Hành vi của quân nhân Mỹ bị lên án, chỉ trích không chỉ riêng ở Nhật Bản mà cả nhiều nước khác. Quân đội không phải là sự lựa chọn của các đại diện thanh niên Mỹ ưu tú. Do đó chuẩn mực đạo đức của họ khá thấp, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm. Các vụ việc vi phạm xảy ra hầu như hàng tuần, thậm chí thường xuyên hơn. Hơn một nửa trong đó không chỉ có những vụ ẩu đả do say rượu hoặc phá hoại tài sản, mà là tội phạm hình sự nghiêm trọng như hiếp dâm và giết người. Con số thực tế các vụ trọng tội của binh sĩ Mỹ lớn hơn báo cáo thống kê chính thức. Một trong những vụ bê bối điển hình là trường hợp ba quân nhân say rượu hãm hiếp bé gái Nhật Bản 12 tuổi xảy ra vào khoảng những năm 1990. Dư luận Nhật Bản khi ấy sôi sục và các cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Okinawa đã dấy lên với sự tham gia của hàng nghìn người."
Trước làn sóng phẫn nộ của nhân dân, lần đầu tiên các tội phạm bạo lực đã bị tòa án Nhật Bản xét xử chứ không được đưa về Mỹ như trước đây. Nhưng vụ việc xâm hại tình dục trẻ em thô bạo không thay đổi được tình hình đóng quân của Mỹ trên hòn đảo, — học giả Anatoly Koshkin nhận xét:
"Ở Nhật Bản có hơn 100 căn cứ và cơ sở vũ trang của Mỹ. Đây là sự hiện diện quân sự ghê gớm, nếu tính rằng ở nước láng giềng Hàn Quốc, quân đội Mỹ cũng duy trì một lực lượng lớn. Đương nhiên, người dân Okinawa không ngừng bày tỏ bất bình với sự chung sống khó chịu này. Nhưng chính phủ Nhật Bản buộc phải chấp nhận thực tế và chỉ có thể bày tỏ sự phản đối chính thức. Nhà chức trách Nhật Bản không thể làm gì để chấn chỉnh trật tự tại các căn cứ Mỹ ở Okinawa. Vậy nên không có gì đảm bảo là những vụ hãm hiếp sẽ chấm dứt. Người Okinawa nhận thức rõ điều này và không bao giờ ngừng cuộc đấu tranh đòi đóng cửa các căn cứ ở Okinawa. Đối với họ, chiến tranh dường như chưa kết thúc."
Hàng chục năm qua, người Nhật được thuyết phục rằng các căn cứ quân sự Mỹ là cần thiết cho nền an ninh Nhật Bản. Những tội ác nghiêm trọng như việc phụ nữ Nhật Bản bị quân nhân Mỹ hãm hiếp được hiểu là cái giá không tránh khỏi của "chiếc ô hạt nhân".