Nhật Bản, và không chỉ riêng nước này, phải chờ đợi những gì sau khi thay đổi chủ nhân của phòng Bầu dục? Trong cuộc phỏng vấn của đài "Sputnik", nhà Đông phương học nổi tiếng, chuyên gia hàng đầu của Viện Mỹ và Canada, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Alexander Panov nói lên ý kiến như sau:
"Donald Trump chỉ trích Nhật Bản vì Tokyo không thực hiện đầy đủ các cam kết của mình trong hiệp định về hợp tác quốc phòng. Có lẽ, nếu phần thắng thuộc về ông này thì ông sẽ thúc đẩy sự tham gia của Nhật Bản trong sự hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Nếu nói về thái độ đối với Nga, thì quan điểm của ông Trump là thực tế hơn so với ông Obama và ứng viên số một của đảng Dân chủ — bà Hillary Clinton. Donald Trump cho rằng, cần phải đàm phán và hợp tác với Nga, bởi vì Nga có thể giúp Mỹ giải quyết các vấn đề quốc tế. Quan điểm này có thể tác động đến chính sách của Nhật Bản về hướng Nga. Nhật Bản sẽ phải chấn chỉnh lại đường lối chính trị để đáp ứng những đòi hỏi của Mỹ. Tuy nhiên, bây giờ rất khó dự đoán những gì sẽ xảy ra. Bởi vì những khẩu hiệu tranh cử của các ứng viên tổng thống không nhất thiết phải được thực hiện sau khi họ bước vào Nhà Trắng".
Ngoài mối quan hệ song phương và chính sách đối với Nga, Nhật Bản chắc chắn đang cố gắng dự đoán những thay đổi trong chính sách của Washington "về hướng Trung Quốc". Ông Alexander Panov nhận xét như sau:
"Nhật Bản đang chú ý theo dõi chính sách của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Xét theo những tuyên bố trong vận động tranh cử, một số ứng viên có quan điểm cứng rắn đối với "thách thức từ phía Trung Quốc", đặc biệt trong nền kinh tế, và đối với việc Bắc Kinh đang ráo riết hoạt động ở Biển Đông, còn những ứng viên khác không thể hiện cứng nhắc trong vấn đề này. Nhưng, những tuyên bố như vậy không ảnh hưởng đến đường lối chính trị của chính quyền Obama, mà êkíp Tổng thống đang thực thi chính sách kiềm chế và hợp tác. Mỹ muốn sớm tạo ra Tổ chức Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để độc quyền hoạch định quy tắc hợp tác kinh tế trong khu vực. Nhưng, đồng thời, nhân dân tệ đã trở thành một đồng tiền dự trữ, và hạn ngạch bỏ phiếu của Trung Quốc trong IMF có thể tăng lên. Gần đây Bắc Kinh đã tuyên bố rằng, Trung Quốc không coi sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực là một mối đe dọa. Trung Quốc đã thiết lập sự hợp tác với Hoa Kỳ trong chính sách cấm vận đối với Bình Nhưỡng. Tóm lại, đây là một mô hình mới trong mối quan hệ Mỹ —Trung. Chừng nào mô hình này đáp ứng lợi ích của Mỹ, chính sách của họ về hướng Trung Quốc không thay đổi bất kể ai sẽ trở thành tổng thống".