Đó là dự báo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) mà Reuters dẫn lại. Giới đầu tư toàn cầu năm nay có thể rút khỏi Trung Quốc khoảng 538 tỷ USD, tức là ít hơn đáng kể so với năm 2015, từng là 674 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân của xu hướng này, — theo các nhà phân tích của IIF — là hành động của chính quyền Trung Quốc. Cụ thể ở đây nói về quyết định điều chỉnh giá trị của đồng nhân dân tệ, không chỉ trong liên hệ với đồng đô la, mà còn tính đến giỏ tiền tệ nói chung. Nhân đây cần nói, sự đổi mới như vậy trong chính sách điều tiết của Trung Quốc được nhà đầu tư tỷ phú Mỹ George Soros đánh giá tích cực khi ông này phát biểu ngày 20 tháng Tư tại cuộc hội thảo bàn tròn ở New York do Asia Society tổ chức. Quả thực George Soros cũng dự đoán rằng ở Trung Quốc có khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính giống như những gì đã lan tràn ở nước Mỹ năm 2008.
Chuyên gia Andrei Volodin từ Viện Nghiên cứu những vấn đề thời sự quốc tế thuộc Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa ra nhận xét bình luận về dự báo của IIF.
"Ở Trung Quốc nhịp độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Nhưng sau đó lại có tin Trung Quốc đang bắt đầu mua dầu ngày càng nhiều hơn. Như vậy, điều này gián tiếp chứng tỏ việc phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Từ đây mà dòng chảy thoát vốn tư bản cũng bắt đầu giảm. Nhưng hiện thời, tôi nghĩ, hiếm có chuyện ai đó sẽ mang vốn tư bản từ Trung Quốc tới các nước công nghiệp phát triển. Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những điểm để bỏ vốn, nơi họ có thể nhận lợi nhuận cao tương ứng. Ở Trung Quốc mức lương và công lao động đang tăng, cũng phần nào giải thích dòng chảy tư bản ra khỏi đất nước. Bây giờ vốn được hướng vào những thị trường mới nổi khác".
Cùng với xu thế đó, cũng bộc lộ rõ mối nguy khác là "nền kinh tế thứ hai của thế giới" đã rơi vào vòng xoáy nợ và về chỉ số này hầu như bắt kịp "nền kinh tế dẫn đầu thế giới". Theo dữ liệu của Financial Times, nợ của Trung Quốc đang gần đến mức của Mỹ và các nước EU, bằng 237% GDP. Chuyên gia Nikita Maslennikov từ Viện Phát triển đương đại cho rằng tốc độ gia tăng nợ nội bộ ở Trung Quốc có thể dẫn đến chấn động trên thị trường tài chính của nước này. Nhân đây cũng phải thấy, nợ là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự hành động phối hợp.
"Đây là những vấn đề giống nhau, vấn đề chung. Trong năm nay đòi hỏi sự phối hợp kỹ lưỡng của các ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính từ hầu hết các nền kinh tế hàng đầu của thế giới, để tìm ra giải đáp cho câu hỏi: làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ tích đọng nợ trên khắp thế giới, mà quy mô hôm nay đang nhắc nhớ về tình huống trong năm 2008. Tất cả các thành viên của thị trường đều cần chú ý đến điều này — tình hình với nợ trên bình diện kinh tế toàn cầu nói chung, trong đó với những khoản nợ không có bảo đảm là cực kỳ phức tạp. Khối tài chính đang tách rời phát triển của nó khỏi nền kinh tế hiện thực. Chỉ cần cuộc phá sản của ngân hàng lớn hay công ty lớn nào đó, và sẽ xảy ra loạt vụ vỡ nợ của các công ty trong nền kinh tế nước này hay nước khác".
Lo lắng về khả năng "hạ cánh bất thường" của nền kinh tế "thứ hai thế giới", chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu triển khai mạnh những chương trình cấp xung lực khác nhau. Và điều đó tạo ra ấn tượng an ủi nhất định với các nhà đầu tư toàn cầu.