Sau đây là bình luận của chuyên gia Trung Đông và Trung Á Piotr Goncharov về tình hình này.
"Vậy là để giải quyết nhiều vấn đề của mình, kể cả vấn đề an ninh và ổn định, Uzbekistan đã quyết định quay trở lại với nước Nga. Chắc là sự trở lại này là nghiêm túc và lâu dài."
Phong cách lãnh đạo đặc biệt của Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov có thể gây ra sự hiểu lầm và khiến các đối tác không hài lòng. Tuy nhiên, nghịch lý thay, nhờ vào phong cách này mà ông Karimov đã có thể ngăn chặn những bất ổn trong nước. Đối với ông, lợi ích quốc gia và chủ quyền luôn luôn là trên hết, ngay cả khi điều đó không có lợi cho quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng trong khu vực và các đồng minh. Ở đây, Nga cùng không phải là ngoại lệ. Hiệp định về quan hệ đồng minh giữa Nga và Uzbekistan đã được ký kết tại Moskva hồi tháng Mười năm 2005. Khi đó, Uzbekistan đang trong dư âm cuộc bạo tại thành phố Andijan. Nhưng sau đó Tashkent lại nhiều lần từ chối Moskva một cách lịch sự trong việc thực hiện thỏa thuận này. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Tashkent, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xóa nợ cho Uzbekistan hơn nửa tỷ USD.
Sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với một đối tác phức tạp như vậy không hề khiến Nga quan ngại. Moskva ý thức rõ rằng nếu không ủng hộ Tashkent, biến động xã hội tại Uzbekistan sẽ gần như không thể tránh khỏi. Tiếp theo, "hiệu ứng domino" đó sẽ lan ra trong tất cả các nước Trung Á. Và điều đó sẽ gây ra những hậu quả khó lường, kể cả cho chính nước Nga. Chỉ riêng giai đoạn 2010-2015, Nga đã đầu tư vào nước đồng minh thất thường của mình hơn 6 tỷ USD. Gần 2 triệu lao động nhập cư Uzbekistan đang làm ăn sinh sống ở Nga. Năm 2015 họ chuyển về quê hương hơn 3 tỷ USD, con số đó trong năm ngoái lên đến hơn 5,6 tỷ.
Một lý do quan trọng khác buộc ông Islam Karimov đảo chiều chính sách để quay lại với Moskva là tình huống bất ổn định ở nước láng giềng Afghanistan. Một thời gian dài, người Uzbek ở Afghanistan, do tướng Dostum Abdurrashid đứng đầu, là một lực lượng "đệm" bảo lãnh an ninh cho Tashkent từ hướng Afghanistan. Đáng tiếc là hiện nay ảnh hưởng của tướng Dostum không còn được như trước. Ngoài ra, sau khi quân nhân Mỹ tiến vào Afghanistan, cái gọi là "Liên minh phương Bắc", nơi người Uzbek Afghanistan và Tajikistan đóng vai trò chính, đã bị tan rã. Hôm nay, trong cuộc đối đầu chống kẻ thù chính của mình là "Phong trào Hồi giáo Uzbekistan" và nhóm "Hizb-ut-Tahrir", Tổng thống Karimov chỉ có thể dựa vào lực lượng của nước này và sự hỗ trợ của Nga.