Trong bài bình luận độc quyền cho "Sputnik", ông Andrei Karneev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi thuộc Đại học tổng hợp Matxcơva, viết:
Trong một bài báo đăng trên tờ Washington Post vào ngày 2 tháng 5, ông Barack Obama hối thúc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng sớm càng tốt. Đồng thời, Tổng thống Mỹ lần đầu tiên công khai nhận định rằng, các quy tắc thương mại quốc tế phải do Mỹ đặt ra, không phải Trung Quốc.
Tại sao chính thời điểm này Mỹ nói toạc ý định của mình? Xét theo mọi việc Nhà Trắng cho rằng, hình ảnh của một kẻ thù bên ngoài đã cướp đi những chỗ làm việc của người Mỹ và đang làm cho nền kinh tế Mỹ mất đi những lợi thế cạnh tranh, là phù hợp nhất để vận động ủng hộ Hiệp định TPP. Bước đi tiếp theo là Quốc hội phải phê chuẩn TPP, mà phe Cộng hòa toàn quyền kiểm soát Quốc hội phản đối thỏa thuận này.
Đây là lý do tại sao ông Barack Obama đã diễn đạt rõ ràng, thuật ngữ của ông chỉ có một nghĩa:
"Mỹ phải đặt ra các quy tắc. Mỹ phải dẫn đầu. Các quốc gia khác cần phải tuân theo luật chơi do Mỹ và các đối tác của Mỹ đặt ra, chứ không phải ngược lại".
Có vẻ ông Obama đã tìm được một lập luận đầy sức thuyết phục cho các nghị sĩ Mỹ. Nhưng, các đối tác của Mỹ sẽ phản ứng như thế nào? Hóa ra, Tổng thống Mỹ chỉ đơn giản bỏ qua các lợi ích của họ. Nếu Hoa Kỳ đặt ra các quy tắc thì các quốc gia khác ký vào TPP sẽ đóng vai trò nào?
Nhân tiện xin lưu ý đến việc, khác với Mỹ, Trung Quốc, nước có sức mạnh kinh tế và chính trị ngày càng tăng, không coi thường các đối tác của mình. Cách tiếp cận của Bắc Kinh là đơn giản: hệ thống thương mại toàn cầu phải công bằng và minh bạch, được xây dựng trên nguyên tắc thắng-thắng (win-win). Và đó là bí quyết của sự thành công trong các sáng kiến do Bắc Kinh đề xuất như "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa" và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á. Trong thời gian ngắn các sáng kiến này đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, trong đó có một số đồng minh của Hoa Kỳ.