Hãng "Sputnik" tham khảo ý kiến các chuyên gia về ý nghĩa động thái từ Ankara.
Theo nhà phân tích chính trị Oleg Matveychev, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có khả năng đã chấp nhận bước làm này vì những khó khăn kinh tế do căng thẳng quan hệ giữa hai nước gây nên, đặc biệt tổn thất trầm trọng trong ngành du lịch.
"Tất nhiên, đây là lời xin lỗi quá muộn màng. Có vẻ như người ta xin lỗi dưới áp lực của hoàn cảnh kinh tế. Điều đang diễn ra trên các bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ lúc này không thể gọi như một thảm họa mà phải dùng từ địa ngục," — chuyên gia cho biết.
Theo nhà phân tích, sự vắng bóng khách du lịch là điều khủng khiếp đối với nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Matveychev không loại trừ rằng chính quyền Nga có thể hủy một số hạn chế đã được áp đặt sau khi máy bay ném bom Nga Su-24 bị máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trên lãnh thổ Syria.
"Với mỗi bước làm của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ có phản ứng thích hợp. Chẳng hạn, một số các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được gỡ bỏ. Điều này có thể diễn ra trong vòng một, hai hoặc ba năm," — chuyên gia nhận định.
Theo nhà phân tích chính trị Anton Khashenko, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã "bất hoà với cả thế giới" và bây giờ ông ấy tìm cách khôi phục mối quan hệ với Nga.
"Ông Erdogan đã bất hoà với cả thế giới, đầu tiên là xích mích với Nga, ông ấy nghĩ rằng khi mình qua lại với Hoa Kỳ và Châu Âu thì chẳng việc gì phải xin lỗi Nga. Nhưng Washington lạnh nhạt với Erdogan, ông ấy tìm cách doạ dẫm châu Âu bằng vấn đề người di tản, quan hệ với EU giờ đây cũng hư hại. Tất cả các đối thủ thế giới đều không muốn làm việc với ông ấy. Ông ấy tưởng mình là Sultan, nghĩ rằng mọi cái rồi sẽ đâu vào đấy, tuy nhiên, là người có lý trí ông Erdogan hiểu rằng cần bắt đầu gây dựng lại quan hệ với ai đó. Ngay từ đầu, Nga đã nêu ra những điều kiện mở lại cuộc đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, "- chuyên gia Khashenko cho biết ý kiến.
Ông nhấn mạnh là các biện pháp hạn chế của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại khó thể khắc phục cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là đòn kinh tế rất nghiêm trọng đối với Ankara.
Nhà khoa học chính trị Pavel Svyatenkov nhận định rằng, chính sách của Ankara đã khiến Brussels bực tức.
"Bằng sự doạ dẫm châu Âu, ông ấy đã làm cả Liên minh và Đức chán nản. Tôi muốn nhắc là mới đây, Quốc hội Đức đã thông qua nghị quyết công nhận nạn diệt chủng người Armenia, điều tất nhiên làm Ankara giận dữ. Động thái của các nghị sĩ Đức rõ ràng nhằm chứng tỏ Berlin vô cùng bất mãn với chính sách của ông Erdogan. Ông Erdogan bất hoà với chúng ta vì vụ tấn công máy bay, còn với Hoa Kỳ thì ông đã có mối quan hệ xấu từ khá lâu. Trong khoảng sáu tháng hay một năm trở lại đây, ông Erdogan ở trong sự cô lập ngoại giao, cùng với những vấn đề nội bộ đang tồn tại thì đây là tình trạng rất không hay cho ông ta. Có lẽ vì vậy mà ông Erdogan đang cố gắng cải thiện quan hệ với Nga, xin lỗi phía Nga, tất nhiên đây là một thắng lợi lớn cho ngành ngoại giao của chúng ta," — chuyên gia nhận xét.
Ông Svyatenkov nói thêm rằng, lời xin lỗi từ ông Erdogan là kết quả sự tỉnh ngộ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, rằng "ông đã đẩy chính sách của đất nước vào bế tắc."
"Ông ấy cần thoát khỏi sự bế tắc này mà không làm hỏng quan hệ với tất cả các láng giềng lớn, bao gồm cả Nga và EU. Đáng lưu ý là vừa qua, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết định bình thường hoá quan hệ," — chuyên gia Svyatenkov nhắc.