Nếu không được giới thiệu thì hẳn người mới gặp sẽ không thể nghĩ Nguyễn Thị Lệ Dung là một vận động viên thể thao, chứ chưa nói là một kiếm thủ đã thành danh trên những sàn đấu quốc tế. Cô gái mảnh khảnh và khiêm nhường hay cười nhẹ nhàng này là "Nữ hoàng kiếm chém" của Việt Nam, có vốn liếng huy chương đáng nể: 9 Huy chương vàng ở 5 cuộc thi SEA Games. Ngoài ra Lệ Dung còn gặt hái hàng chục Huy chương vàng ở các giải quốc gia cũng như khu vực Đông Nam Á.
Nhân vật nữa trong cuộc đàm đạo với nhà báo Sputnik là Vũ Thành An. Chàng kiếm thủ trẻ trung cao lớn với nụ cười sáng bừng trở lại nước Nga sau khi lập hai kỳ tích cho môn đấu kiếm Việt Nam — là VĐV nam đầu tiên "mở hàng" nhận Huy chương đồng châu lục trong nội dung kiếm chém nam trong Giải vô địch đấu kiếm châu Á 2016 ở Trung Quốc và giành vé đi dự Olympic 2016 ở Brazil.
Người đảm đương trách nhiệm phụ trách đoàn kiếm thủ, đồng hành cùng hai VĐV trẻ này là ông Phùng Lê Quang, cựu sinh viên ĐHTH Thể dục-Thể thao Xô-viết, huấn luyện viên kiêm Trưởng Bộ môn đấu kiếm của Tổng cục TDTT Việt Nam.
Qua câu chuyện của họ, trong mỗi lần tập luyện và thi đấu của họ, rồi từ đó là trong mỗi thành tích đáng tự hào của họ, đều có bóng dáng một người thầy xô-viết và nước Nga.
Thật cảm động khi nghe kể rằng chuyên gia kiếm kỳ cựu Sergei Koryatsky mà Thành An và Lệ Dung trân trọng gọi là Thầy đã từ chối những lời mời và suất thù lao hậu hĩnh của những nước khác mà chấp nhận khoản tiền còn hạn chế của Việt Nam. Thậm chí có lần ông thầy Nga này đã phát "giá trên trời" để đối tác phía kia nghe mà nản và thôi chèo kéo, để ông yên ổn ở lại với những học trò Việt.
Mời các bạn nghe câu chuyện của Huấn luyện viên Phùng Lê Quang và các kiếm thủ-ngự lâm quân Việt Nam trong những ngày tập luyện tại Nga trước thềm Thế vận hội Brazil.