Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh — chuyên gia Ban tư vấn chương trình thương hiệu quốc gia nhìn nhận, Việt Nam sẽ khó có một thương hiệu quốc gia cạnh tranh nếu các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì sự gắn kết lỏng lẻo, "mạnh đường ai người nấy chạy" và cứ mãi gia công, xuất hàng "núp" dưới tên thương hiệu nổi tiếng nước ngoài…
…"Từ con cá tra cho tới quả vải thiều, từ gạo Việt Nam cho tới thanh long… khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế đều chỉ ghi chung "Product of Vietnam" — sản phẩm của Việt Nam, mà không có tên bất kỳ thương hiệu doanh nghiệp sở hữu nào. Sẽ rất khó để Việt Nam có những thương hiệu lớn như Coca Cola, Lacoste, Nokia… nếu các doanh nghiệp cứ mãi sản xuất gia công, không liên kết nhau lại", ông nói.
Khác với trước đây, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu được nhắc tới nhiều và không chỉ dừng lại ở cấp độ cạnh tranh của doanh nghiệp, mà đã được nâng cao lên thành mức độ cạnh tranh của một địa phương, quốc gia. Trên thế giới hiện có hơn 80 nước đang triển khai trương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã tiến hành xây dựng thương hiệu quốc gia cho riêng mình.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam.
Ngoài sự gắn kết, cũng cần đặt ra một cơ chế liên quan tới quản lý. Các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia cần thực hiện đẩy đủ cam kết của mình với người tiêu dùng về uy tín, chất lượng của sản phẩm.
"Chúng ta đang tạo dựng hình ảnh cho đất nước Việt Nam thông qua các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài nhưng người dân trong nước lại chưa tin dùng sản phẩm của Việt Nam. Như thế thì làm sao đòi hỏi người nước ngoài tin dùng sản phẩm của chúng ta được", — TS Nguyễn Quốc Thịnh trăn trở.
Nguồn: vnexpress.net