Còn nếu nghiêm túc thì sự kiện này diễn ra vào năm 1980, khuya ngày 23 tháng Bảy theo giờ Moskva và sáng sớm ngày 24 theo giờ Hà Nội, lúc con tàu vũ trụ "Soyuz-37" của Liên Xô rời Trái đất phóng vào không gian. Chỉ huy phi hành đoàn "Soyuz-37" là ông Victor Gorbatko, người đã có hai chuyến công tác vũ trụ. Nhà nghiên cứu là phi công quân sự Phạm Tuân của Việt Nam, tám năm trước đấy đã bắn hạ "pháo đài bay" B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Phi công vũ trụ Phạm Tuân được trải qua toàn bộ quá trình huấn luyện cần thiết trước chuyến bay tại Trung tâm Đào tạo Yuri Gagarin ở thành phố Ngôi Sao, ngoại ô Moskva. Ông cho biết vào thời điểm đó:
"Khi được nhận nhiệm vụ này, tôi cũng như đồng đội của tôi rất phấn khởi. Và tôi cũng nghĩ ngay, chắc nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn, phức tạp hơn nhiều để huấn luyện làm phi công chiến đấu. Ngay từ phút đầu, tôi luôn xác định sẽ hết sức mình, tận dụng sự giúp đỡ của phía bạn, đạt kết quả học tập cao nhất và hoàn thành nghĩa vụ mà Đảng và nhân dân giao cho. Kinh nghiệm huấn luyện trong quá trình đào tạo và rèn luyện phi công chiến đấu, đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian học tập tại Trung tâm nghiên cứu vũ trụ. Thêm vào đó là sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí, đồng đội".
Chuyến bay của phi hành đoàn "Soyuz-37" diễn ra từ ngày 24 đến ngày 31 tháng 7 năm 1980. Vào thời điểm đó, những ngày này đã đi vào lịch sử Việt Nam và biên niên sử hợp tác Xô-Việt. Ngày 24 tháng 7 năm 1965, các tổ hợp tên lửa phòng không của Liên Xô vừa được trang bị cho Quân đội Việt Nam đã chiến đấu vẻ vang trong trận đánh đầu tiên. Còn ngày 31 tháng 7 năm 1958 được ghi nhớ như ngày thành lập Hội hữu nghị Xô-Việt, tiền thân của Hội hữu nghị Nga-Việt ngày nay. Trong số những người đầu tiên đón chào khi Phạm Tuân và Viktor Gorbatko trở về Trái đất có Chủ tịch Hội hữu nghị khi ấy là ông German Titov, nhà du hành vũ trụ Liên Xô №2, người được Hồ Chủ tịch lấy tên đặt cho một hòn đảo ở vịnh Hạ Long. Khi họ bơi thuyền ngang qua hòn đảo vào năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ông mơ ước sẽ có ngày công dân Việt Nam bay vào vũ trụ. Ước mơ đó đã thành hiện thực.
Trong những ngày đầu phóng lên vũ trụ, con tàu bay về phía trạm không gian của Liên Xô do các phi hành gia Leonid Popov và Valery Ryumin điều khiển trong chuyến bay dài ngày. Họ đã biết phi công Phạm Tuân, có dịp gặp gỡ tại Trung tâm đào tạo du hành vũ trụ. Các chủ nhân của trạm đã đón Phạm Tuân và Gorbatko theo truyền thống hiếu khách của Nga bằng bánh mì và muối. Chuyến bay chung bắt đầu. Mỗi khi trạm vũ trụ bay qua Việt Nam, nếu rảnh rỗi ông Phạm Tuân nhất định đến bên ô cửa sổ ngắm nhìn quê hương. Trước kia, ông mới có cơ hội nhìn những vùng quê Việt Nam từ buồng lái máy bay chiến đấu Liên Xô, công cụ và vũ khí mà ông sử dụng để bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng thời gian rảnh không nhiều. Kế hoạch mục tiêu không chỉ là bay vào không gian. Các phi hành gia Soyuz-37 cần thực hiện loạt công việc nghiên cứu, bao gồm cả chương trình do các nhà khoa học Việt Nam chuẩn bị. Phi hành gia người Việt tiếp tục kể:
"Đó là những chương trình liên quan đến y tế, nghiên cứu vật chất, bề mặt địa chất Việt Nam từ vũ trụ. Kết quả nghiên cứu được sử dụng rộng rãi. Ví dụ, phục vụ công tác tìm kiếm khoáng sản, thăm dò khai thác dầu mỏ. Kết quả mà chúng tôi thu được trở thành cơ sở cho nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Nga."
Ngày nay, những dữ liệu được thu thập trong chuyến bay vẫn không hề đánh mất tính thiết thực. Chúng được các nhà xây dựng sử dụng trong công tác thiết kế nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, trong thi công cầu đường, hỗ trợ các nhà địa chất thăm dò tài nguyên thiên nhiên Việt Nam.
Sự hợp tác trong lĩnh vực không gian vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Qui mô hợp tác ngày càng lớn, đòi hỏi ký kết hiệp định liên chính phủ về vấn đề này, đề ra qui chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ và trao đổi thông tin khoa học, miễn thuế và hải quan các vật liệu phục vụ nghiên cứu chung trong lĩnh vực không gian. Luật phê chuẩn hiệp định đã được Tổng thống Nga Putin ký vào dịp kỷ niệm 34 năm chuyến bay chung vào vũ trụ. Còn trước thềm ngày kỷ niệm lần thứ 36 diễn ra năm nay, Công ty nhà nước Roscosmos cùng với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã ký bản ghi nhớ mở rộng hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực không gian.