Những thách thức nào đang chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần và xa? Trong cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, nhà chính trị học Iran Abdulmajid Zawari, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Tehran, cho biết:
"Đây không phải là cuộc nổi loạn đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Xét theo những cuộc đảo chính trước đây, có thể nói một cách chắc chắn rằng, nỗ lực thay đổi chế độ sẽ tiếp tục nhiều lần và thường xuyên. Tuy nhiên, khi phân tích những sự kiện đã xảy ra vào đêm ngày 15/7, rạng sáng ngày 16/7 được phản ánh trong những nguồn tin khác nhau, thì có thể đi đến kết luận rằng, cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là một màn kịch mà ông Erdogan đã dàn dựng. Những kẻ âm mưu đảo chính và những người bị nghi tham gia vào nó đã bị bắt giữ ngay lập tức. Chắc là, ekíp của Erdogan đã biết từ trước và đã chuẩn bị bảo vệ vị trí của họ. Nhiều người vội vàng gọi cuộc đảo chính bất thành này là tiếng vang của cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái. Họ nói rằng, kết quả cuộc bầu cử không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Nếu như vậy thì tại sao cuộc đảo chính nhanh chóng bị dập tắt? Tại sao những "kẻ âm mưu đảo chính" đầu hàng ngay lập tức? Đây là những câu hỏi tu từ.
Đồng thời, một cuộc thanh lọc mới trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không phục vụ lợi ích an ninh trong khu vực. Nguy cơ đe dọa Ankara từ phía Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) sẽ tăng lên. Chắc là RKK sẽ cố gắng tận dụng lợi thế của mình để làm suy yếu vị trí của các cơ quan chính quyền. Đừng quên về phe đối lập chỉ trích Erdogan. Những đại diện của phe đối lập, dù không phải những thành viên tích cực nhất, vẫn giữ ghế trong Quốc hội và các Bộ. Sau khi nhìn thấy những kinh nghiệm đáng buồn của các "đồng nghiệp", bây giờ những người này ấp ủ kế hoạch trả thù. Vì thế có thể chờ đợi những vụ hỗn loạn mới và những biểu hiện của sự bất ổn chính trị.
Trong chính sách đối ngoại Erdogan cũng không thể giữ được sự yên tĩnh. Bây giờ ông ta thậm chí không thể mơ ước về việc gia nhập EU. Nếu ở Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục án tử hình và tiếp tục các vụ đàn áp thì quan hệ giữa Ankara và phương Tây sẽ bước vào giai đoạn khủng hoảng kéo dài. Trên thực tế điều đó có nghĩa là nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lâm vào khủng hoảng nặng nề. Và sự bất mãn của nhân dân sẽ dẫn đến bạo loạn thực tế."