Chỉ tính riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức, số tiền thiệt hại lên đến hàng tỷ euro. Biện pháp cấm vận của Nga đối với sản phẩm nông nghiệp gây tổn thất nặng nề cho ngành nông nghiệp châu Âu. Chuyên gia tài chính Ernst Wolff đã chỉ ra những vụ lợi địa chính trị ẩn sau biện pháp trừng phạt của châu Âu.
Trừng phạt Nga đem lại những hiệu quả gì?
Chỉ tính riêng nước Đức, sau khủng hoảng 2007-2008 kim ngạch thương mại giữa Đức và Nga đã tăng lên, nhưng đến năm 2015 giảm đi 25 phần trăm. Hiệu quả của biện pháp trừng phạt là hiển nhiên!
Có nghĩa là trừng phạt ảnh hưởng tiêu cực tới cả đôi bên. Trong trường hợp này: Liệu biện pháp trừng phạt có còn thích hợp như một công cụ chính trị?
EU áp đặt trừng phạt Nga theo lệnh của Mỹ. EU là đối thủ cạnh tranh kinh tế lớn nhất của Mỹ. Do đó, Mỹ không bỏ lỡ cơ hội làm suy yếu Liên minh châu Âu. Cuộc xung đột Ukraina xuất hiện thật đúng lúc. Hoa Kỳ đã lợi dụng tình hình này để chia rẽ EU và Nga.
Tức là ý tưởng một không gian kinh tế chung từ Lisbon đến Vladivostok làm các thế lực bên kia đại dương đứng ngồi không yên?
Mỹ sợ các liên minh của EU với Nga hoặc Trung Quốc như sợ lửa. Đối với Mỹ, đó sẽ là ngày tận thế. Vì vậy, họ tìm kiếm mọi cơ hội cô lập Nga hoặc Trung Quốc trên thị trường thế giới. Đừng quên rằng, EU phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt Nga. Giới tài chính Mỹ rất không ưa điều này.
Liệu có các công ty Đức chuyên kinh doanh với Nga và đang trên bờ vực phá sản do cấm vận?
Hơn 6.000 công ty Đức làm ăn với Nga. Nhiều cơ sở đang trong tình trạng khó khăn — mục đích thực chất của những biện pháp trừng phạt. Phần lớn đây là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao, trên thị trường xuất hiện những công ty lớn sẵn sàng mua lại họ. Trong cơ cấu của công ty xuyên quốc gia, hoạt động kinh doanh với Nga có thể chỉ chiếm vài phần trăm, nhưng các nhà cơ khí và cung cấp thiết bị Đức lại có thể phụ thuộc rất mạnh vào thị trường Nga. Các biện pháp trừng phạt giáng đòn nặng nề vào những doanh nghiệp này và có thể dẫn tới sự thua lỗ, buộc phải bán công ty.
Đối với các công ty Đức có cơ sở ở Nga thì sao? Con số này không hề nhỏ.
Biện pháp trừng phạt tất nhiên cũng không làm cho họ dễ dàng hoạt động. Do đánh mất lòng tin đồng thời trở nên tự tin hơn sau lệnh trừng phạt, người Nga có thể ưu tiên các nhà cung cấp Trung Quốc thay vì đối tác Đức.
Kinh tế có khả năng ảnh hưởng đến chính trị?
Chính trị đang ngày càng trở thành một công cụ của kinh tế. Mà kinh tế ngày nay — trước hết đó là lĩnh vực tài chính. Các nhà đầu tư lớn nhất thế giới là các quỹ đầu cơ và ngân hàng lớn từ Wall Street, có nghĩa là vốn của Mỹ. Chính họ đang xác định từ hậu trường những gì sẽ diễn ra trên vũ đài chính trị. Nếu EU không chấp nhận áp đặt trừng phạt, Hoa Kỳ sẽ có cách gây áp lực nặng nề lên Liên minh châu Âu.
Châu Âu buộc phải từ chối kinh doanh với Nga, mặt khác bị đẩy về phía hiệp định TTIP. Những điều này liệu có liên quan với nhau?
Tất nhiên! TTIP thực sự có lợi cho Mỹ. Luật lao động Mỹ có hiệu lực trong các công ty châu Âu có nghĩa Mỹ sẽ tiến thêm một bước nữa trên chặng đường thống trị thế giới. Mặt khác, người Mỹ hiện đang gặp khó khăn rất lớn. Họ có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng nền kinh tế ấy đang bị khủng hoảng. Do đó, họ sử dụng công cụ gây bất ổn làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới.