Với "ba lô" đó, người ta có thể kiểm soát chuyến bay của côn trùng, sau này có thể hỗ trợ trong việc chế tạo robot. Những con bọ robot ấy sẽ được sử dụng trong hoạt động cứu hộ. Chúng có thể bay vào tòa nhà đổ nát qua khe hở nhỏ để tìm kiếm những người còn sống sót ở đó. Nếu cho vào "ba lô" một chiếc micro và cảm biến nhiệt nhỏ xíu, những con bọ cánh cứng sẽ cho lực lượng cứu hộ biết cần phải tới địa điểm nào. Và khi đó những con chó cứu hộ có thể không còn việc để làm nữa.
Những con côn trùng như vậy có thể được sử dụng không chỉ như nhân viên cứu hộ, mà còn có thể làm chiến sĩ trinh sát.
Như đã biết, từ lâu côn trùng và động vật đã được sử dụng trong mục đích chiến đấu và trinh sát. Ví dụ, cá heo quân sự từng hoạt động tại Hoa Kỳ và Liên Xô. Trong những năm đầu thế kỷ 20, huấn luyện viên dạy thú Vladimir Durov là người đầu tiên đề xuất sử dụng động vật trong chiến đấu. Ông đích thân đào tạo hai chục con hải cẩu, nhưng đáng tiếc là chúng không được sử dụng vào mục đích quân sự — sau khi được gửi đi chúng bị ngộ độc và tất cả đã chết.
Có những con mèo từng làm gián điệp. Tuy nhiên, những con vật được nuông chiều này có thái độ hoài nghi với chiếc micro trong tai, máy phát dưới bụng và ăng ten trải dài trên lưng. Chỉ có một con mèo chiến được CIA huấn luyện là có thể di chuyển theo tuyến đường nhất định, mang trong người thiết bị đặc biệt và trở thành "thám tử" đầy đủ chức năng. Nhưng nó chưa kịp chứng minh tài năng của mình. Được cử đi làm nhiệm vụ, con mèo này bị chết dưới bánh xe trước khi đến đích.
Loài cá cũng không chịu kém, chúng có thể trở thành những "thiện xạ bắn tỉa". Chẳng hạn, cá mập được dạy để giết theo mùi hoặc gặm đứt một thứ gì đó. Còn ong vò vẽ thông minh thì có thể phát hiện thuốc nổ, Lầu Năm Góc đã chi 25 triệu USD và bốn năm cho dự án ong.
Đồng thời, "phổ quát" nhất vẫn là bọ cánh cứng. Chúng không những được huấn luyện để bảo vệ, mà còn biết tấn công. Các nhà khoa học biến chúng thành "những chiếc máy bay ném bom" điều khiển bằng radio. Họ cấy ghép điện cực vào thân bọ cánh cứng và điều khiển chúng bay thông qua hệ thống thần kinh. Bọ cánh cứng có thể mang trên mình vũ khí sinh học hoặc hóa học.
Các nhà khoa học không chỉ tiến hành nghiên cứu những con bọ. Năm 2014, các nhà khoa học từ Đại học Sheffield ở Anh đã làm việc với ruồi, chuồn chuồn và bướm, có khả năng bay lượn giỏi hơn bọ cánh cứng.
Sau tất cả những gì bạn nghe qua câu chuyện của chúng tôi, rất có thể ai đó sẽ bị hoang tưởng và nghi ngờ những con ruồi bay quanh mình. Xin hãy đừng lo lắng. Hiện nay, việc theo dõi người đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Và để làm điều đó, không ai cần đến sự giúp đỡ của côn trùng, chỉ cần bạn bật định vị điện thoại…