Sự ghen tị của Hoa Kỳ với những người chiến thắng bị cáo buộc vô căn cứ về sử dụng doping và trong nhiều năm cố phủ bóng đen lên uy tín của đội — tất cả những đề tài quen thuộc về thể thao năm 2016 thực ra đã hiện hữu từ hơn 80 năm trước. Sau màn trình diễn thất bại của đội Hoa Kỳ tại Thế vận hội năm 1932, thua đau trước đối thủ Nhật Bản, người Mỹ đã giở ra chính "tấm thẻ bài doping". Sau đây là tóm lược của "Lenta.ru" về thể thao, truyền thông, khoa học và chính trị trong xì-căng-đan doping ở Olympic.
Nhật Bản gửi các VĐV bơi lội của nước mình tới Thế vận hội ngay từ kỳ thi Olympic đầu tiên sau chiến tranh — Thế vận hội năm 1920 tại Antwerp. Tuy nhiên, suốt thời gian dài tỷ lệ lớn về huy chương bơi lội luôn thuộc về người Mỹ cũng như ở những loại hình thể thao khác. Chiến thắng không thể tranh cãi của các tay bơi lội Mỹ cũng được chờ đợi như là sự tất yếu ở Los Angeles năm 1932.
Trong tâm thế tự mãn như vậy, ở Mỹ người ta bỏ ngoài tai tất cả những phóng sự dành nói về quá trình khổ công tập luyện và động lực tinh thần của người Nhật. Kết quả là, những tay lội đến từ bên kia đại dương đã đoạt 5 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng (trong khi người Mỹ chỉ thu được 1 huy chương vàng và 2 huy chương đồng). Khi đó, không ai buộc tội VĐV Nhật Bản gian lận — trái lại, các nhà báo và học giả nhất loạt ca ngợi họ về lối tiếp cận khoa học tới kỹ thuật.
Nhưng sau đó 5 tháng, một huấn luyện viên thể thao từ Đại học Tổng hợp Michigan là Matthew Mann bỗng đưa ra tuyên bố chấn động: người Nhật đạt được chiến thắng là nhờ hít thở oxy trước khi thi bơi. Ông Mann kêu gọi tuyên chiến với loại doping này và phỉ báng phương pháp thiếu trung thực của các tay bơi Nhật Bản.
Không thể nói Mann là nhà hoạt động vô tiếng tăm, muốn kiếm điểm cho bản thân bằng chủ đề "nóng". Mann từng là vô địch của nước Anh về môn bơi lội lúc 9 tuổi. Sau khi chuyển đến Hoa Kỳ, ông ta đã tạo dựng sự nghiệp thành công của một huấn luyện viên, dẫn đến chiến thắng cho đội tuyển của trường đại học. Ông ta cũng xuất bản công trình nghiên cứu nền tảng về những vấn đề lý thuyết cơ bản của môn bơi lội.
Tuy nhiên, Mann hẳn cũng phải biết rằng hít dưỡng khí thậm chí cả ở mức bất thường vẫn không bị coi là doping. Cả IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) lẫn FINA (FINA) đều không cấm điều đó. Ngay cả các bác sĩ từ Đại học Tổng hợp của Mann cũng lên tiếng phản đối, bởi cho rằng hiệu suất của việc hít nhiều oxy chỉ kéo dài không quá vài giây.
Không đồng ý với Mann còn cả các huấn luyện viên. "Những cáo buộc này là hoàn toàn nhảm nhí. Sự thật là ở chỗ những tay bơi lội Nhật Bản đã chứng tỏ thành quả rèn luyện tốt, còn việc tổ chức công việc theo nhóm của họ thì hầu như lý tưởng tuyệt hảo.Rõ ràng các VĐV bơi lội người Mỹ có cái để mà học hỏi từ người Nhật", — huấn luyện viên Clyde Swendsen tuyên bố.
Mann không muốn để yên chuyện này. Ông tuyên chiến với oxy và hứa sẽ phấn đấu để cấm thứ "thuốc bổ" này tại Hội nghị kế tiếp của Liên đoàn Thể thao sinh viên quốc gia. Thế mà Ủy ban tương ứng đã bỏ qua vấn đề về loại "doping" oxy.
Dù sao chăng nữa, cho tới thời điểm năm 1934, ý tưởng "doping Nhật Bản" đã bắt đầu lan tỏa và sống cuộc sống riêng của nó, không tùy thuộc vào động cơ của tác giả khởi xướng. Rồi Peter V. Karpovich, một chuyên gia hàng đầu của nước Mỹ về sinh lý học thể thao, đã quyết định đặt "dấu chấm trên chữ i" bằng nghiên cứu chi tiết về tác động của oxy với tốc độ và sức chịu đựng dẻo dai của người bơi.
Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng oxy quả thực có nâng cao một chút cho tốc độ của VĐV, nhưng hiệu quả của nó chỉ kéo dài không quá 3 phút, trong khi đó các tay bơi lội Nhật hít oxy từ 5 phút trước cuộc đua. Karpovich cố gắng đưa kết luận của ông tới trường dư luận rộng lớn hơn và cảnh báo người Mỹ về thái độ cả tin với "huyền thoại doping" dưỡng khí.
Nhưng chẳng thuyết phục được ai nữa. Bất kể nhiều lần chứng minh tính hư cấu của "doping oxy", huyền thoại này vẫn in hằn bám chắc trong tâm trí công chúng.
Thời gian trôi qua, tiếp diễn sự cạnh tranh của Nhật Bản và Hoa Kỳ trong thể thao, gia tăng thêm trong bầu không khí say cuồng dân tộc chủ nghĩa hồi cuối những năm 30. Tại các giải đấu quốc tế khi thì bên này lúc bên kia chiếm vị trí thượng phong, nhưng đến Thế vận hội Berlin 1936, Nhật Bản một lần nữa đánh bại các tay bơi lội Mỹ.
Không gạt bỏ cáo buộc về tội sử dụng doping, những người Mỹ bất mãn ráo riết tìm kiếm cả những luận cứ "phi thể thao" khác nữa để lý giải về chiến thắng của Nhật Bản. Họ chỉ ra nguồn tài nguyên khổng lồ mà Nhà nước Nhật Bản phân bổ để hỗ trợ thể thao, sự yếu kém của đất nước tự do khi chống lại cường quốc quân phiệt, ý chí của những cá nhân tuân thủ chế độ tập luyện hà khắc…
Tóm lại, xì-căng-đan xung quanh các tay bơi lội Nhật Bản phản ánh sự chuyển biến lớn trong thể thao Olympic. Chuyện doping trôi nổi đã không gắn gì với vấn đề thi đấu trung thực hay là sức khỏe cá nhân của VĐV, mà vì niềm tự hào dân tộc và bảng xếp hạng huy chương. Người Mỹ không thể chấp nhận một thực tế là bị người Nhật đoạt lấy chiến thắng: chỗ yếu về niềm tự mãn buộc phải giải thích điều đó bằng doping, sự hỗ trợ của Nhà nước hay là mánh khéo léo trong kỹ thuật bơi lội kiểu Mỹ.