Tại đây, nhà lãnh đạo Nga cũng tiến hành các cuộc đàm phán song phương với lãnh đạo nước chủ nhà Ilham Aliyev và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Một trong những chủ đề chính của cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Rouhani sẽ là vấn đề mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai quốc gia. Nguồn tin trong bộ máy của Chính phủ trao đổi với báo Izvestia cho biết, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, người phụ trách vấn đề tổ hợp công nghiệp quốc phòng có mặt trong phái đoàn Nga.
Năm nay, Nga đã giao cho Iran lô S-300 đầu tiên (theo hợp đồng ký năm 2007), các tổ hợp phòng không đầy đủ chức năng đã được triển khai ở Iran. Sputnik cho biết, Cơ quan Liên bang về Hợp tác kỹ thuật quân sự đã sẵn sàng bàn giao S-300 đợt thứ hai, chỉ còn chờ phía Iran thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga không xác nhận cũng phủ nhận khả năng các vị đứng đầu nhà nước sẽ thảo luận về hợp đồng S-300.
Các liên lạc giữa Moskva và Tehran tích cực diễn ra sau khi một số biện pháp trừng phạt Iran được loại bỏ. Cơ hội thực hiện hợp đồng bán hệ thống phòng không từng bị gián đoạn đã xuất hiện. Tổng thống Nga và Tổng thống Iran trao đổi các chuyến thăm, hội đàm bên lề hoạt động quốc tế ở các nước thứ ba. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cũng đã đến Iran. Trước khi công bố việc nguyên thủ hai nước tới Baku, ông Shoigu đã hội đàm với đoàn đại biểu quân sự Iran tại Nga. Các bên thảo luận việc tổ chức tập trận chung và trao đổi quan sát viên.
Giới chuyên gia ghi nhận rằng sự phối hợp hành động của Nga và Iran ở Syria càng củng cố lòng tin giữa hai nước và sẽ góp phần thúc đẩy mở rộng hợp tác quân sự-kỹ thuật.
"Trên thực tế, chúng ta là những đồng minh ở Syria. Có sự phối hợp chiến đấu, tăng số lượng liên lạc. Điều này, tất nhiên, sẽ có lợi cho hợp tác kỹ thuật quân sự, — ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga khẳng định. — Kho trang bị vũ khí của quân đội Iran đã cũ. Nhưng việc cung cấp vũ khí tấn công (xe tăng, máy bay và trực thăng chiến đấu, tên lửa) sẽ phải chờ một thời gian. Tuy nhiên, điều này không cản trở sự hợp tác trên một loạt lĩnh vực vũ khí khác."
Trong thời gian các hạn chế có hiệu lực, mỗi hợp đồng tương tự đều phải đưa ra thảo luận ở cấp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng xác suất nhận được sự chấp thuận của tất cả các thành viên Hội đồng Bảo là vô cùng thấp. Theo các chuyên gia lưu ý, ngay bây giờ Nga đã có sẵn sản phẩm chào bán cho phía Iran — đó là các hệ thống phòng không, tổ hợp tác chiến điện tử, vũ khí hạng nhẹ, máy bay huấn luyện và trực thăng vận tải.
Iran cũng bày tỏ quan tâm tới các xe bọc thép Nga, máy bay Su-30, các thiết bị hải quân. Sự củng cố thành công của Nga trên thị trường Iran hứa hẹn mở ra triển vọng cho nhiều hợp đồng lớn hơn.