Nhu cầu chi phí quân sự trong năm tới sẽ tăng nhiều hơn 2,3 % so với năm 2016. Hãng Reuters lưu ý: kế hoạch chi tiêu quân sự của Nhật Bản có thể được nâng lên đến 5,16 tỷ đô la.
Truyền thông Nhật Bản giải thích việc cần thiết bổ sung ngân sách quân sự sắp tới vì phải tăng chi phí để củng cố chống lại mối đe dọa tên lửa từ phía Triều Tiên. Cũng như việc cấp kinh phí xây dựng tàu ngầm. Đề án tàu ngầm sẽ triển khai vào năm 2023 ở vùng Biển Đông nhằm chống Trung Quốc. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Valery Kistanov nói về vấn đề này như sau:
"Trọng tâm vấn đề là phương tiện để đối phó với hải quân Trung Quốc. Củng cố hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản, phát triển phương tiện giám sát, tăng cường phương tiện tuần tra. Tiến hành tập trận đặc biệt nhằm nâng cao khả năng tác chiên của lính thủy đánh bộ và bảo vệ những đảo xa, mà theo nhận định của Tokyo, Trung Quốc có thể xâm phạm. Tất cả điều này, dĩ nhiên, có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương nói chung. Một mặt, căng thẳng có thể sẽ xảy ra. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ tính đến điều này trong chiến lược quân sự của mình ở châu Á, cũng như trong quan hệ song phương. Mặt khác, sẽ có những nỗ lực nhằm tìm ra một số thỏa hiệp nào đó, có tính đến lợi ích chung. Điều này sẽ được thực hiện tại cuộc họp ba bên Trung Quốc — Nhật Bản — Hàn Quốc, được tổ chức tại Tokyo vào tuần tới. Không loại trừ khả năng sẽ có cuộc gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào đầu tháng Chín ở Trung Quốc".
Xin nhắc lại, năm ngoái Nhật Bản đã thông qua gói luật mở rộng phạm vi hoạt động ở nước ngoài của các lực lượng phòng vệ. Ngoài ra, chuyến thăm năm ngoái của Thủ tướng Abe đến Washington đã góp phần làm tăng cường hợp tác quân sự của Nhật Bản với Hoa Kỳ. Ngân sách mới dự tính rằng, lần đầu tiên Nhật Bản sẽ mua tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA của Mỹ với độ cao tối đa lên đến 1000 km. Những tên lửa này dự tính sẽ triển khai trên tàu chiến có hệ thống cảnh báo sớm "Aegis". Theo tờ báo "Nihon Keizai", mùa thu này tên lửa sẽ được thử nghiệm trong vùng phụ cận của quần đảo Hawaii, và từ năm 2017 sẽ bắt đầu đưa vào sản xuất.
Mỹ công khai khuyến khích Nhật Bản thành lập các lực lượng quân đội và phương tiện quân sự để tiến tới có thể sử dụng ở nước ngoài, như lãnh đạo Học viện nghiên cứu các vấn đề địa chính trị, nhà phân tích quân sự Konstantin Sivkov cho biết:
"Nhật Bản rõ ràng đang chuẩn bị cho các hoạt động liên quan đến việc sử dụng các lực lượng vũ trang tại những điểm xa xôi, nơi diễn ra xung đột quân sự. Để làm được việc đó cần phải có tiền, cần hạm đội tàu, cần không quân. Đương nhiên, việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẽ dẫn đến việc Trung Quốc sẽ gia tăng các lực lượng vũ trang của mình. Nga cũng sẽ bắt buộc phải tăng cường tổ chức các đội tàu, hàng không, lục quân ở vùng Viễn Đông. Bình Nhưỡng sẽ phát triển khả năng hạt nhân của mình, nỗ lực bảo vệ chống hoạt tính quân sự có thể xẩy ra từ phía Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.
Washington hưởng lợi từ chính sách quân sự hóa của Tokyo. Hoa Kỳ rất tiện sử dụng Nhật Bản như là một thê đội tiền phong và thuộc quyền kiểm soát của họ ở Đông Bắc Á.