Đây là ý kiến của ông Andrey Klimov, người lãnh đạo tiểu ban hợp tác liên nghị viện trong khuôn khổ BRICS trong Hội đồng Liên bang Nga. Ông Klimov nói:
"Qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp người Brazil về chủ đề luận tội, tôi có ấn tượng rằng, sự kiện này sẽ không làm thay đổi cơ bản tình hình hiện nay. Brazil là một thành viên BRICS, có kim ngạch thương mại rất lớn với các thành viên khác của tổ chức này, do đó nước này sẽ không chuyển hướng sang Mỹ. Tình hình tương tự cũng được quan sát thấy trong giới doanh nghiệp Brazil. Các doanh nhân cũng không tỏ ý sẵn sàng xa lánh Nga và các thành viên khác của BRICS. Tuy nhiên, rõ ràng là tân tổng thống Brazil sẽ đưa ra những thay đổi vào đường lối lãnh đạo đất nước".
Bản thân bà Dilma Rousseff không có ý định đầu hàng. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây nữ Tổng thống tái khẳng định: "Tôi không hề có ý định từ chức và sẽ chiến đấu đến cùng. Tôi không có ý định gửi "món quà" như vậy cho các đối thủ chính trị".
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, bà Deborah Nunes, thành viên Ban điều hành Phong trào Brazil của nông dân không có đất, nhấn mạnh sự can đảm của bà Rousseff trong cuộc đấu tranh chính trị:
"Tổng thống Rousseff đã đến Quốc hội để tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công, và điều này là rất quan trọng. Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ, bà chỉ ra được những bằng chứng rõ ràng về việc bà không thực hiện hành vi bất hợp pháp và không vi phạm Hiến pháp. Bà Dilma giải thích rằng, đây là một cuộc đảo chính ở Quốc hội, và hậu quả của cuộc đảo chính này có thể dẫn đến một thảm họa".
Theo ý kiến của chuyên gia Alexander Kharlamenko, người đứng đầu Trung tâm thông tin của Viện Mỹ latinh thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, việc luận tội Dilma Rousseff sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chính trị nội bộ của Brazil:
"Tổng thống lâm thời Michel Temer s thúc đẩy mạnh tiến trình tư hữu hóa. Sẽ cắt giảm mạnh các chương trình xã hội đã từng giúp hàng triệu người khắc phục cảnh đói nghèo. Tất cả điều này sẽ gây ra những cuộc biểu tình quy mô lớn tương tự như tình trạng hiện nay, ví dụ, ở Argentina, nơi chính quyền cũng thực thi chính sách chống sự bình đẳng xã hội ".
Các đối thủ chính trị của Dilma Rousseff giải thích rằng, họ đòi luận tội Tổng thống do các cáo buộc liên quan đến gian lận tài chính trong những tháng đầu tiên nhiệm kỳ thứ hai của bà. Ở đây nói về việc sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không có sự đồng ý của Quốc hội, cũng như trì hoãn thanh toán cho các ngân hàng của chính phủ.