Nơi đây gợi nhớ tới hình ảnh tòa cung điện tuyệt vời của Nữ hoàng Tuyết. Mỗi "phòng" trong số 48 khoảng hốc trống trong hang đều tuyệt diệu vô song, được tô điểm bởi những dải băng đá tinh tế và chiếc hồ nhỏ xinh đẹp nước trong suốt như pha lê. Những "dây kim tuyến" lóng lánh thanh nhã và "cột trụ" bề thế là tác phẩm điêu khắc của thợ cả Thiên nhiên tạo nên càng thêm nổi bật phản chiếu ánh sáng đa dạng. Tinh thể băng trong suốt lung linh như những viên kim cương phản quang từ mặt nước hồ và lan tỏa khắp lòng hang rộng lớn kỳ bí. Tổng hòa kỳ lạ của băng đá, ánh sáng và nước tạo ấn tượng không ngôn từ nào diễn tả nổi.
"Vương quốc băng" trong hang Kungur trải dài gần 6 km, xứng danh là một trong những hang động có không gian bên trong rộng nhất trên thế giới. Lần đầu tiên người ta biết về cái hang kỳ lạ này là vào đầu thế kỷ XVIII. Chẳng bao lâu sau, hang Kungur trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách, còn nông phu từ các làng mạc xung quanh có nghề làm thêm là đưa các vị lữ khách hiếu kỳ vào khám phá động băng để nhận khoản hoa hồng.
"Thiện thần hộ mệnh" đích thực của hang Kungur là nhà khoa học Aleksandr Khlebnikov, người đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về chiếc hang này. Từ năm 1914 đến năm 1951, ông đã thám hiểm khảo sát toàn bộ hang động, hồ, những mê cung bí ẩn trong đường ngầm nằm dưới lòng đất. Suốt nhiều năm liền, học giả đam mê dẫn dắt các tour du lịch khắp lòng hang, say sưa kể với du khách về thế giới băng đá huyền diệu của chốn quê này.
Khlebnikov đã bỏ ra không ít tiền túi để cải tạo hang động tốt hơn. Giống như bất kỳ di sản thiên nhiên, hang cần được bảo tồn và chăm sóc. Hệ sinh thái của "vương quốc" Kungur độc đáo nhưng vô cùng mong manh, dễ bị xâm hại bởi những nhóm du khách vô tổ chức. Ngoài ra, hành trình vào lòng đất mà thiếu hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm là không an toàn. Có lần, một tốp sinh viên ngành Hang động học quyết định thăm hang Kungur vào ngày 31 tháng 12, và họ đã buộc phải đón Năm Mới trong lòng hang tăm tối vì hành lang ngầm dưới đất bị sụp, lực lượng cứu hộ mất nhiều giờ đào bới để đưa mấy thanh niên ra ngoài. May mắn là không có thương vong. Từ đó trở đi, các cửa hang và vòm hang được gia cố, để thuận tiện cho du khách người ta còn mở lối đi lát bê tông xuyên qua hang. Ngày nay "vương quốc băng" Kungur là hang động được gìn giữ tốt nhất ở nước Nga.
Phần lớn các ngách hang và hành lang ngầm ở đây thuộc Khu bảo tồn, không dành cho những cuộc tham quan của đại chúng du khách. Tuy nhiên, những "phòng băng" đẹp nhất vẫn được mở cửa dành đón mọi người. Các hướng dẫn viên trao cho mỗi du khách một cây đèn pin hoặc nến. Cần cẩn thận chăm chú: hang động bí ẩn luôn chứa bao điều bất ngờ kỳ lạ.
Ngách Kim cương độc nhất vô nhị được bàn tay Tự nhiên trang trí vô số thạch nhũ lấp lánh và lớp phủ sương tuyết với tua viền dày xốp. Không gian rộng lớn chan hòa ánh đèn nhiều sắc màu óng ánh. Một ngách hang khác có tên là Thập giá. Các chuyên viên Hang động học đã tìm thấy ở đây một cây thánh giá bằng gỗ và mấy bức tranh thánh cổ. Có lẽ các tín hữu Chính thống giáo từng làm lễ cầu nguyện tại đây khi họ ẩn tránh cuộc đàn áp của những chiến binh vô thần hồi những năm 1930. Trần thiết của ngách Korall gợi nhớ đến rạn san hô: cửa ngách và vách tường được che phủ bằng vô vàn nhánh "cây băng" đan xen tinh xảo.
Những chiếc hồ của khu hang động Kungur xứng đáng được dành kể trong câu chuyện riêng. Đây là hiện tượng thiên nhiên kì thú: bất chấp cái giá lạnh ngự trị dưới mái vòm "vương quốc băng", không chiếc nào trong số 70 hồ nước bị đóng băng. Nếu tin vào truyền thuyết xưa mà các hướng dẫn viên kể lại, thì ở một hồ nước còn thường diễn ra phép lạ thực sự, nếu buổi sáng ta ném một chiếc nhẫn vàng xuống nước thì đến buổi chiều nhẫn sẽ biến mất. Mà không phải vì ai đó đã lén vớt nhẫn lên, đơn giản là mảnh vàng nhỏ ấy tự hòa tan vào lòng hồ. Chưa thể khẳng định đây là sự thật hay huyền thoại, bởi cho đến nay chưa có ai trong số các du khách dám hy sinh chiếc nhẫn vàng để kiểm nghiệm.
Khoảng thời gian thuận tiện nhất để thăm hang động Kungur là vào mùa đông. Nhiệt độ trên mặt đất càng hạ thấp thì càng giúp các mê cung trong lòng đất nhiều hơn và biến hang động thành khu cung điện thần tiên. Tới được hang động này theo con đường tuyết phủ dầy quả thật chẳng giản đơn, nhưng "vương quốc băng" kỳ ảo không có ở bất cứ nơi nào khác cũng đáng giá để ta vượt qua mọi trở ngại.