Có thể nêu nhiều nhận xét tốt hoặc xấu về tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa, nhưng sự thật hiển nhiên là trong gần 25 năm nắm quyền, ông đã gìn giữ Uzbekistan từ thời những người Bolshevik gây dựng như một nhà nước thống nhất, phó Giáo sư Gevorg Mirzayan, Trường Tổng hợp Tài chính của Chính phủ viết cho Sputnik.
Câu hỏi mới là những người kế tục ông sẽ phải làm gì.
Tính hợp pháp của việc chuyển giao quyền lực là vấn đề nhỏ đối với họ. Quả thực, Uzbekistan không là thể chế dân chủ, nhưng đại đa số người dân và tất cả các thế lực bên ngoài có tính xây dựng đều hài lòng với thực tế này.
Bất kỳ lựa chọn khác sẽ đẩy đất nước vào hỗn loạn nội chiến, có thể đưa lên vị trí quyền lực những nhà đối lập-tị nạn không có kinh nghiệm hoặc các nhân vật Hồi giáo cực đoan với khái niệm đặc trưng về nhà nước.
Tất nhiên, công tác tuyên truyền nội bộ đúng hướng sẽ góp phần củng cố chính quyền. Ở Uzbekistan hiện diện tâm lý tôn sùng lãnh tụ, người đã dẫn dắt đất nước hướng tới sự phát triển thịnh vượng. Sự tôn sùng được xây dựng nhiều năm qua. Không việc gì phải lo là nó được hình thành xung quanh ông Karimov — kinh nghiệm của Turkmenistan chỉ ra rằng với cách tiếp cận và công tác tuyên truyền đúng mức, có thể dễ dàng thay thế đối tượng được tôn sùng.
Điều mà ban lãnh đạo mới sẽ phải làm là rời khỏi tư duy bảo thủ quyền lực (của cố Tổng thống Karimov) và chuyển sang thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội để vun đắp hơn nữa cho sự tín nhiệm mà họ nhận được.
Có những vấn đề mà người kế nhiệm ông Karimov chắc chắn sẽ tiếp tục đường lối của ông. Ví dụ, khai thác thị trường lao động Nga như một điểm đến cho thanh niên Uzbek.
Mặc dù Islam Karimov có thể chê trách di cư lao động Uzbek (ví dụ, ông nói rằng họ sỉ nhục đất nước khi làm nghề quét dọn ở Moskva), nhưng ông thừa hiểu lao động xuất khẩu Uzbekistan giải quyết ít nhất hai vấn đề của đất nước.
Thứ nhất, họ nuôi gia đình mình. Thứ hai, thanh niên đến Nga tìm việc làm đã giảm bớt căng thẳng xã hội có thể phát sinh do tỷ lệ thất nghiệp cao.
Khả năng là chính phủ mới sẽ phải thay đổi một số mô hình trong nước, có những quy định sẽ gây bất hòa nhận thức.
Ví dụ, thị trường tiền tệ. Về hình thức, Uzbekistan cấm tự do lưu thông ngoại tệ — người dân phải mua đôla tại các ngân hàng theo tỷ giá thấp hơn nhiều so với thực tế. Nhưng thị trường đen ngoại tệ tồn tại khá công khai. Thời những năm 1990, các tiểu thương mới buộc phải hẹn tìm những nơi bí mật để mua đôla Mỹ bằng đồng soma Uzbek qua những người Triều Tiên buôn tiền.
Năm 2016, thị trường dũng cảm săn đón khách hàng: ở bất kỳ bến metro, chỉ cách các cảnh sát viên vài chục mét là có người ngồi với một túi tiền và ngang nhiên thực hiện đổi tiền. Điều này gây thiệt hại đáng kể không chỉ riêng với nền kinh tế mà cả uy tín của đất nước, chứng tỏ mức độ tham nhũng cao.
Chính phủ mới hoặc phải bãi bỏ lệnh cấm lưu thông tự do ngoại tệ hoặc đẩy thị trường đen trở lại hoạt động bí mật.
Các nhà chức trách mới sẽ cần cải cách cả chính sách đối ngoại. Cố Tổng thống Islam Karimov là người yêu quí quyền lực và ông không muốn chịu bất cứ tác động từ các lực lượng bên ngoài. Do đó, ông đã thẳng thừng từ chối các quan hệ quân sự và kinh tế mật thiết với Mỹ, Nga hay Trung Quốc.
Tổng thống Uzbekistan luôn nhấn mạnh tính độc lập của mình.
Tuy nhiên gần đây, các chính sách của nhà lãnh đạo Uzbekistan bắt đầu có một số thay đổi — ngay cả ông Karimov cũng hiểu rằng, những mối đe dọa từ bên ngoài như IS và tình hình Afghanistan đang có nguy cơ lớn biến thành hiện thực hơn khả năng huyền thoại rơi vào sự ảnh hưởng của Nga.
Vì vậy, ông đã bắt đầu một quá trình tái lập quan hệ với Nga. Rất nhiều khả năng là chính phủ mới sẽ đẩy nhanh quá trình này.