Diễn đàn Kinh tế Đông đã cho thấy rằng đây là hoạt động được chờ đợi, và được tiến hành ở đúng nơi, vào đúng thời điểm, — đó là nhận xét của một trong số hơn hai nghìn rưỡi thành viên tham gia Diễn đàn, nhà khoa học chính trị Nga Vladimir Kolotov. GS-TSKH Kolotov nói:
"Diễn đàn này đặc biệt định hướng vào châu Á, vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga đề xuất xây dựng quan hệ đối tác trung thực, hợp tác nhiều mặt theo hướng tạo lập môi trường an ninh không chia cắt dành cho tất cả, chứ không chỉ dành cho những nước chọn lựa nào đó. Nga dề xuất tạo lập một môi trường tiện lợi dành cho toàn thể các nền kinh tế.
Nga nghiêm túc dự định trở thành bộ phận không thể thiếu trong khu vực phát triển năng động nhất của thế giới, trở thành một cây cầu nối giữa châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu. Sẽ hiện đại hóa các tuyến liên vận đường sắt, tuyến đường Biển Bắc, để hàng hóa sản phẩm của châu Á-Thái Bình Dương thông qua Nga đến châu Âu nhanh chóng hơn và chiều ngược lại cũng vậy".
Trong những năm gần đây, phía Nga đã đạt thành tựu đáng kể trong việc phát triển quan hệ thương mại-kinh tế với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Chuyên gia Kolotov dẫn ra mấy con số: trong năm 2010, kim ngạch trao đổi thương mại chỉ của riêng một thành phố Nga là Saint-Peterburg với Hàn Quốc cũng đã vượt hơn kim ngạch thương mại của cả nước Nga và Việt Nam.
Việt Nam — thành viên quan trọng của ASEAN, đối tác chiến lược của Nga ở châu Á, luôn được chờ đợi ở vùng Viễn Đông Nga. Trong EEF-2016 tiếng Việt là một trong số sáu ngôn ngữ làm việc chính thức của Diễn đàn. Vì vậy, GS-TSKH Kolotov thấy băn khoăn vì trong Diễn đàn Kinh tế Đông lần II thiếu vắng phần tham gia xứng đáng của phái đoàn doanh nghiệp nghiêm túc từ Việt Nam. Và cũng vậy, rõ ràng không thấy được sự quan tâm mà phía Việt Nam dành cho Diễn đàn Đại học Nga-ASEAN, tiến hành cũng vào những ngày này trên đảo Russky. Mà đó là trong bối cảnh Việt Nam nhiều năm chiếm vị trí hàng đầu trong số các nước ASEAN về hợp tác với Nga ở lĩnh vực đào tạo. Hiện nay có hơn ba nghìn rưởi sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường Nga theo tuyến Nhà nước.
Trở lại đề tài kinh tế, chuyên gia Kolotov cho rằng Việt Nam nên dành chú ý nhiều hơn cho sự phát triển liên hệ kinh tế-thương mại với LB Nga. Thực tế cuộc sống cho thấy rằng nếu một quốc gia nào đó định hướng tập trung vào một hoặc hai đối tác kinh tế cơ bản, thì qua thời gian, những đối tác này sẽ chuyển sang tác động chính trị nhất định. Hiện nay Việt Nam có hai đối tác thương mại cơ bản là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng hoàn toàn có thể phát triển hợp tác cả với Nga và không chỉ với Nga, mà vẫn không hề làm phương hại gì tới quan hệ với những đối tác lớn đó. Hơn thế nữa, làm như vậy cũng phù hợp với chính sách đa phương hóa mà ban lãnh đạo đất nước đang thi hành, giúp củng cố vững vàng hơn vị thế của Việt Nam trên thế giới.
P.S. Ý kiến của chuyên gia có thể không trùng với quan điểm của BBT Sputnik.