Sản xuất thành công lốp máy bay không săm

© Thông tấn xã Việt NamLốp máy bay bơm hơi không săm.
Lốp máy bay bơm hơi không săm. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Đoàn, Chủ nhiệm dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39” khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng sản xuất đại trà, để cung cấp sản phẩm này không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Bởi chất lượng lốp máy bay do Việt Nam sản xuất tương đương sản phẩm cùng loại của nước ngoài, mà giá cả lại cạnh tranh hơn.

Dự án "Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39" thành công là kết quả của cả một quá trình lao động, sáng tạo không mệt mỏi của TS. Đoàn và các cộng sự tại Viện Kỹ thuật Phòng không- Không quân trong suốt nhiều năm qua. 
Trước đó, đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu, chế tạo lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39" do TS. Đoàn làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu với kết quả loại A vào năm 2010. Từ năm 2012- 2014, đề tài này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho mở dự án cấp Nhà nước "Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39". Tháng 3/2015, dự án đã được nghiệm thu cấp Nhà nước. Dự án này là một trong 6 công trình được trao giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 và cũng là một trong những công trình được đánh giá cao trong Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới trong 5 năm qua (KC.02/11-15).
Trước đó, công nghệ chế tạo lốp máy bay bơm hơi có săm đã được TS. Đoàn cùng các cộng sự ở Viện Kỹ thuật Phòng không — Không quân hợp tác với Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng nghiên cứu thành công, chuyển sang sản xuất hàng loạt cung cấp cho Quân chủng Phòng không — Không quân sử dụng hiệu quả. Do vậy, trong dự án mới này, nhóm nghiên cứu tập trung giải quyết một số tồn tại sau đề tài nghiên cứu, như: Thiết kế và triển khai dây chuyền công nghệ chế tạo lốp máy bay L-39; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất lốp máy bay L-39 trên dây chuyền công nghệ của dự án; hoàn thiện đơn pha chế và công nghệ chế tạo các hỗn hợp cao su thành phần của lốp; hoàn thiện tiêu chuẩn, phương pháp và quy trình đánh giá chất lượng lốp xuất xưởng…

Để nhập dây chuyền và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất lốp máy bay từ nước ngoài phải mất khoảng 20 triệu USD (hơn 400 tỷ đồng). Song nhóm nghiên cứu của TS. Đoàn đã sử dụng một số thiết bị của dây chuyền sản xuất lốp ô tô sẵn có, như: Thiết bị cán luyện, cán tráng, quấn vòng tanh, thành hình, thiết bị lưu hóa… Để sản xuất được lốp máy bay, chỉ cần đầu tư thêm các thiết bị chuyên dùng, như: Trống thành hình lốp, khuôn lốp, màng lưu hóa, vành ổn định sau lưu hóa và các thiết bị kiểm tra chất lượng lốp như thiết bị ép tĩnh, chạy lý trình, thử độ bám vành, độ đâm thủng, độ bất cân bằng, thiết bị thử độ bền chịu phá nổ… Các thiết bị này cũng chỉ chiếm khoảng 5 — 10% tổng kinh phí đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất lốp máy bay.

Hơn nữa, trong số nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất lốp máy bay thì cao su thiên nhiên chiếm tỷ lệ cao nhất (đến 60%) và loại nguyên liệu này lại có sẵn ở trong nước. Còn các vật tư, hóa chất khác đều có thể dễ dàng nhập trực tiếp từ các công ty nước ngoài hoặc mua của các công ty thương mại trong nước.
Sau 3 năm, dự án "Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm lốp máy bay bơm hơi không có săm cho máy bay L-39" đã thành công tốt đẹp. Với 4 đợt sản xuất thử nghiệm thành công, dự án đã sản xuất được 800 lốp máy bay L-39 (gồm 600 lốp sau và 200 lốp trước). Các sản phẩm này có chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Nga và Tiệp Khắc.

Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Đoàn khẳng định, quá trình sản xuất từ khâu pha chế, cán luyện, chế tạo bán thành phẩm đến khâu thành hình và lưu hóa lốp đều được cán bộ kỹ thuật của dự án giám sát chặt chẽ. Số lốp này đã được đưa vào khai thác, sử dụng tại Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân và được đánh giá đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn bay. So với giá nhập ngoại lốp máy bay L-39, giá lốp hiện tại của dự án chỉ bằng 70%. Như vậy, theo nhu cầu cung cấp lốp máy bay hằng năm, nếu sản xuất trong nước theo công nghệ này có thể làm lợi được 2- 2,5 tỷ đồng/năm cho Quân chủng Phòng không-Không quân và Bộ Quốc phòng.

Về mặt kinh tế, sản phẩm của dự án đã được thương mại hóa. Hiện nay, nhiều nước đang sử dụng máy bay L-39 nên Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu lốp bơm hơi không săm bởi sản phẩm này hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới về chất lượng cũng như giá cả. Tuy nhiên, vượt lên trên yếu tố kinh tế là hiệu quả về mặt quân sự mà dự án này mang lại. Trước đây, việc nhập khẩu loại lốp này rất khó khăn do số lượng đơn hàng của Việt Nam ít, thời gian chờ nhận hàng về lại rất dài nên nhiều khi không kịp thời đảm bảo vật tư phụ tùng thay thế phục vụ công tác đảm bảo bay của Quân chủng Phòng không Không quân.

Ông Mai Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Sao Vàng cho biết, đây là sản phẩm đặc chủng phục vụ cho mục đích quốc phòng và là lần đầu tiên một doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất. Trước đây, Việt Nam đều phải nhập khẩu loại sản phẩm này. Việc sản xuất thành công lốp máy bay bơm hơi không săm chứng tỏ trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam đã có một bước tiến khá dài, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng được các yêu cầu cao về kỹ thuật sản xuất loại sản phẩm chất lượng cao.
TS. Đoàn cho biết, anh và các cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm một số dòng sản phẩm lốp máy bay khác dùng cho các loại máy bay chiến đấu hiện đại của Không quân Việt Nam.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала