Thợ thủ công và những người nông dân đã chung sức dựng rào gỗ kiên cố chống sự đột nhập của các toán cướp du mục. Pháo đài gỗ khiêm tốn lấy tên dòng sông Voronezh. Chưa đầy bốn năm trôi qua, những toán cướp đã thiêu rụi pháo đài. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khu định cư mới lại mọc lên từ tro tàn. Đây là lần hồi sinh đầu tiên của Voronezh nhưng không phải là cuối cùng: thành phố còn trải qua không ít thử thách nghiệt ngã trong tương lai.
Vị Sa hoàng cải cách và táo bạo Peter Đệ I đã đến Voronezh năm 1695. Hoài bão của ông là sở hữu hạm đội hải quân hùng mạnh phục vụ cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ khi ấy chặn đường thương mại của Nga qua biển Azov và Biển Đen. Cư dân Voronezh bỗng trở thành những tay thợ đóng tàu khéo léo. Xưởng đóng tàu xuất hiện trên bờ sông, công việc diễn ra nhộn nhịp. Sa hoàng trẻ tuổi đích thân tham gia xây chiến thuyền đầu tiên. Con tàu hạ thủy vào ngày 2 tháng 4 năm 1696, được coi là mốc lịch sử đặt nền móng cho Hải quân Nga.
Trong vòng 15 năm, xưởng đóng tàu Voronezh đã hạ thủy hơn 200 tàu chiến và tàu buôn, trở thành cái nôi của Hạm đội. Người dân Voronezh đặc biệt tôn thờ Peter Đệ I: một trong những tưởng đài đầu tiên của vị vua vĩ đại đã xuất hiện ở đây vào năm 1860.
Đám cháy khủng khiếp phá hủy Voronezh năm 1773 và thành phố được xây dựng lại từ đầu. Nhân đây, các kiến trúc sư đã điều chỉnh trật tự thay thế lối xây cất tự do trước kia, ranh giới thành phố được mở rộng đáng kể. Những đường phố ngay ngắn, rộng rãi, những phường mới với nhà hai tầng xây bằng đá, các nhà thờ xinh xắn. Qui hoạch của thế kỷ XVIII tồn tại tới khi Thế chiến thứ II xảy ra, trở thành một thử thách khủng khiếp nhất đối với cư dân và thành phố.
Mùa hè năm 1942, Voronezh biến thành trọng tâm một cuộc giao tranh ác liệt giữa Hồng quân và Đức Quốc xã. Cả hai bên chịu tổn thất rất lớn trong các trận chiến trên đường phố. Sáu tháng sau, phát xít mới bị đẩy bật hoàn toàn khỏi Voronezh. "Thành phố ma, đâu đâu cũng là đổ nát, không một bóng người," — một cựu chiến binh thuật lại. Chiến tranh phá hủy 92% nhà ở, liệu Voronezh có thể phục sinh? Và một lần nữa từ tro tàn thành phố đã vươn dậy.
Dạo bộ trên đường phố Voronezh hôm nay ngắm những ngôi nhà và di tích kiến trúc được xây dựng lại sau chiến tranh, thật khó thể tin rằng vài thập kỷ trước thành phố từng bị san bằng. Voronezh chỉ giữ lại một công trình ở trạng thái bị tàn phá, đó là bệnh viện nhi cũ. Đống gạch đổ ấy nhắc nhở ký ức đau thương của cuộc chiến tranh đã đi qua.
Người Voronezh có một truyền thống lâu đời: vào ngày cưới các cặp tân hôn đến chỗ cây cầu đá cổ kính để treo một ổ khóa lên song sắt của cầu. Họ tin rằng, sau nghi lễ này hôn nhân của họ sẽ bền vững và hạnh phúc. Phải chăng vì thế mà dân số Voronezh không ngừng tăng? Công dân thứ một triệu của Voronezh ra đời ngày 7 tháng 12 năm 2012. Hi vọng là một ngày nào đó người thanh niên ấy sẽ đến cây cầu đá cổ để đón nhận hạnh phúc của mình.