Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán này, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 2015 của Tập đoàn Dầu khí chỉ đạt 30.695 tỷ đồng, giảm 12.216 tỷ đồng (hơn nửa tỷ đô), tương ứng 28,5% so với năm 2014.
Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của PVN trong nhiều năm lại đây khi mà năm 2014 "ông lớn" PVN của ngành dầu khí đạt gần 43.000 tỷ đồng, năm 2013 là 42.500 tỷ đồng, năm 2012 là 42.000 tỷ đồng và năm 2011 là 34.000 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh này, năm 2015 PVN nộp ngân sách 87.000 tỷ đồng, giảm mạnh từ 37.000 đến 40.000 tỷ đồng so với hai năm trước đó.
Theo PVN, nguyên nhân khiến có doanh thu thụt lùi này chính là giá dầu sụt giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính cho biết, trong khoảng thời gian khó khăn như năm 2015, tổng tài sản của PVN giảm nhẹ, vì vậy, dù sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng PVN vẫn phải tăng vay.
Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn và vay, nợ thuê tài chính dài hạn đạt tới 183.842 tỷ đồng, chiếm 65,4% vốn góp chủ sở hữu. Nợ quá nhiều khiến PVN phải gánh khoản chi phí lãi vay hàng năm rất lớn.
Nếu năm 2014, chi phí tài chính tại PVN là 8.316 tỷ đồng thì sang năm 2015, con số này tăng gấp đôi, vọt lên 16.891 tỷ đồng. Chi phí tài chính tại PVN nhiều hơn 50% lợi nhuận sau thuế.
Như vậy, bình quân mỗi ngày, ông lớn ngành dầu khí phải trả gần 23 tỷ đồng tiền lãi.
Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng cho hay, PVN hiện có hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu là các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày và cho vay quá hạn. Đó là gần 900 tỷ đồng các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, 720 tỷ đồng khoản phải thu và cho vay quá hạn tại CTCP PVI, 922 tỷ đồng phải thu tại Tổng công ty Dầu.
Hai khoản phải thu lớn nhất là gần 2.100 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và 2.150 tỷ đồng phải thu ủy thác đầu tư tại Công ty mẹ — Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Nguồn: kienthuc.net.vn