Bệnh nhân của ông không chỉ vui vẻ mà còn phục hồi nhanh hơn.
Sergio Gallegos Kastorena là người may mắn, một trong số ít người sống sót sau khi bị ung thư tinh hoàn. Khi ông 17 tuổi, ở đất nước quê hương Mexico của Sergio, người ta nói rằng ông sẽ không thoát chết. Cha mẹ quyết định đưa cậu bé sang Mỹ và đã tìm ra cách điều trị cứu sống con trai ở đó.
Sau khi hóa trị liệu chuyên sâu, ông đã được chữa khỏi. Nhưng không chỉ có thuốc men góp phần cứu sống ông.
"Tại bệnh viện, tôi được các chú hề đến thăm. Họ mang lại niềm vui và sự hài hước, giúp tôi quên rằng tôi đang bị ảnh hưởng của hóa trị liệu," — tiến sĩ Gallegos, bác sĩ nhi khoa ung bướu Bệnh viện de Guadalajara nói với Sputnik.
Khi trở về Mexico vào năm 1989, cuộc sống của ông đã thay đổi. Ông đã tìm thấy mục tiêu của đời mình.
"Tôi đã có một cơ hội thứ hai. Tôi quyết định sống hạnh phúc mỗi ngày và cố gắng để làm cho mọi người xung quanh tôi cũng hạnh phúc. Tôi dành cả cuộc đời mình để điều trị trẻ em Mexico bị bệnh ung thư, bởi vì không phải tất cả mọi người đều có cơ hội đến Hoa Kỳ điều trị," — bác sĩ cho biết.
Sergio bắt đầu nghiên cứu y học từ năm 1989. Từ thứ hai đến thứ sáu, ông đi học. Ngày thứ Bảy, ông mặc quần áo chú hề đến đến Khoa Nhi của bệnh viện công để chơi với bệnh nhi. Năm 1992, khi trở thành Tiến sĩ chuyên ngành, ông buộc phải từ bỏ bộ trang phục chú hề để trở thành người nghiêm túc.
Tuy nhiên, trong Ngày thiếu nhi năm 2005, giám đốc Bệnh viện Nhi tập trung nhân viên cho cuộc vui cải trang: "Bạn chính là món quà tốt nhất," bà nói với các nhân viên.
Tiến sĩ Gallegos một lần nữa lại mặc bộ trang phục của chú hề đến khoa Ung bướu nhi để chơi đùa với trẻ em. "Ngày hôm đó, người đàn ông đòi hỏi khắt khe và nghiêm nghị đã trở thành một chú hề, cười đùa với trẻ em và phụ huynh. Sự tương phản này làm cho tình hình thậm chí còn vui hơn ".
Trong hai năm liền, đến ngày thiếu nhi, ông Gallegos lại "cải trang" để đến viện nhi. Vào ngày Giáng sinh năm 2007, bác sỹ Sergio đóng giả làm Santa Claus. Nghiêm trang như mọi khi, ông bước vào phòng làm việc với chiếc áo choàng y tế màu trắng và gọi bệnh nhi đầu tiên. Khi bước vào, cậu bé nhìn thấy ông già có bộ râu trắng mặc áo choàng đỏ.
"Tại buổi khám bệnh hôm đó đã xảy ra điều gì đó kỳ diệu," — ông Gallegos nói. Từ đó ông quyết định cải trang thành các nhân vật khác nhau cho mỗi kỳ lễ để khám bệnh nhi.
Bác sĩ lưu ý rằng điều trị trẻ em bị bệnh bạch cầu có thể kéo dài đến ba năm. Những bệnh như vậy cũng ảnh hưởng đến gia đình của họ.
"Không chỉ đứa trẻ bị đau đớn. Phương pháp tôi sử dụng cho phép cả gia đình được giải trí và quên đi bệnh tật. Cha mẹ có thể thấy đứa con đang ốm của mình hạnh phúc."
Trẻ em muốn nhìn thấy bác sĩ biến thành nhân vật nào, muốn đón nhận những điều bất ngờ đang chờ đợi. Và như thế, không cần phải thuyết phục các em đi khám bác sĩ. Bầu không khí vui vẻ và tình yêu mến tràn ngập phòng khám lây ra cả gia đình", bác sĩ nhi khoa cho biết.
"Khi tôi bắt đầu làm việc tại phòng khám năm 2007, bệnh bạch cầu lymphocytic được chữa khỏi cho 34% bệnh nhân. Hôm nay con số này đã tăng lên đến 85%. Tất nhiên, đạt được điều đó không chỉ nhờ trang phục. Đằng sau đó có rất nhiều công việc", — ông Sergio giải thích.
"Các bác sĩ có thể cứu được cuộc sống. Thậm chí nếu anh không là Batman, trong con mắt của đứa trẻ anh có sức mạnh của một siêu nhân" — bác sĩ y khoa Gallegos kết luận.