Lớn nhất trong số đó là đơn kiện từ Hoa Kỳ, và có thể chính phủ Đức sẽ phải can thiệp vào tình huống này ở cấp độ quốc gia. Liệu có thể nói rằng sắp xảy ra một cuộc chiến thương mại thực sự giữa Mỹ và EU hay không, hoặc đây chỉ là tranh chấp ngầm xung quanh Đối tác thương mại đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU (TTIP)? Chuyên gia tài chính Ernst Wolff cảnh báo về những hậu quả sẽ xảy ra đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
P.V: — Ông Wolff, EU đang tìm cách thu lại hàng tỷ USD tiền thuế của Apple và có thể của Amazon và McDonalds. Đến lượt mình, Hoa Kỳ nộp đơn kiện đòi trả lại hàng tỷ USD tiền phạt Volkswagen và Deutsche Bank. Hai chuyện này có liên quan với nhau hay không?
Ernst Wolff: — Có lẽ là liên quan. Theo tôi, đây là cuộc đấu tranh giữa hai đối thủ cạnh tranh — các bên trao đổi những đòn tấn công dữ dội. Theo ý kiến của tôi, tất cả những điều này xuất phát từ chính sách gây bất ổn toàn cầu mà Hoa Kỹ đang theo đuổi. Chính bản thân Mỹ cũng đang gặp các vấn đề riêng rất lớn — nợ chính phủ đã lên đến gần 20 nghìn tỷ USD, người dân ngày càng chán ghét giới tinh hoa chính trị trong nước. Đồng thời, trên vũ đài quốc tế Mỹ đang đánh mất tình trạng một cường quốc thế giới. Để đối phó với điều này, Mỹ tìm cách kiếm gây thiệt hại cho các đối tác của họ trên thị trường thế giới. Và tại thời điểm này, EU đang bị Mỹ tấn công.
P.V: — Nhưng EU từ trước tới nay là đối tác chính của Mỹ, thậm chí hiện nay đang tiến hành đàm phán về không gian kinh tế và đầu tư chung. Vậy chuyện đó có mâu thuẫn hay không?
Ernst Wolff: — Liên quan với TTIP, tôi sẽ không sử dụng từ "đàm phán". Chuyện này hoàn toàn không liên quan gì với dân chủ. TTIP có lợi cho ngành công nghiệp và trước hết là ngành công nghiệp tài chính của Mỹ. Và người Mỹ đang "thúc đẩy" dự án này, vì họ có ảnh hưởng lớn. Họ có dollar, vẫn là đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới. Các chính trị gia Đức chỉ phê phán TTIP trong bối cảnh chiến dịch tranh cử nhằm mua chuộc cử tri. Tuy nhiên, rốt cuộc họ sẽ đầu hàng, và thỏa thuận TTIP sẽ được ký kết.
P.V: — Nhưng trên thực tế, chính Hoa Kỳ đã tạo ra hệ thống tài chính điên rồ này và cũng là thành viên lớn nhất của nó. Chẳng nhẽ bản thân họ không mạo hiểm khi gây áp lực đối với những cơ chế khổng lồ toàn cầu như Deutsche Bank?
Ernst Wolff: — Tất nhiên, Deutsche Bank là một trong những cầu thủ lớn trong "sòng bạc tài chính" toàn cầu. Nếu Deutsche Bank sụp đổ, toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu cũng sẽ sụp đổ theo. Điều đó lại một lần nữa cho thấy rằng Mỹ đang lâm vào tình thế tuyệt vọng. Tuy nhiên, cần phải suy nghĩ về lý do tại sao người Mỹ lại nhằm vào Deutsche Bank, và tại sao họ thực hiện điều đó chính vào thời điểm này. Theo tôi, mưu toan của họ là buộc chính phủ Đức can thiệp và quốc hữu hóa dù là một phần, hoặc toàn bộ Deutsche Bank. Đến lúc đó, tình hình chính trị ở Đức sẽ mất ổn định, bởi vì nhân dân nước này sẽ chống đối. Hơn nữa, Đức sẽ rơi vào tình thế bị EU cô lập, vì Đức từng phản đối mạnh mẽ việc giải cứu ngân hàng Italia. Cho nên, có thể nói về những tác động trực tiếp đối với EU và quốc gia mạnh nhất của nó là Đức.
Tuy nhiên, rốt cuộc thì Hoa Kỳ cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho mình. Bởi vì nếu Deutsche Bank sụp đổ, "hiệu ứng domino" sẽ xảy ra: tiếp theo nhân hàng Đức sẽ là Credit Suisse, JP Morgan và toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.