Xét theo tài liệu lịch sử, những người đầu tiên đề xuất sáng kiến xây dựng một đường thủy như vậy là những thương nhân của Iran và Nga đã từng phát triển tích cực quan hệ song phương trong thế kỷ XVIII-XIX. Hai thế kỷ trước đây, Nga và Iran đã bắt đầu thảo luận về kênh đào xuyên Iran, và dự án này đã có triển vọng rất tươi sáng. Nhưng, khi đó ý tưởng này không thành hiện thực do những sự kiện lịch sử: các cuộc chiến, khủng hoảng chính trị, thay đổi chế độ chính trị.
Nhưng bây giờ, trong tình hình chính trị rất thuận lợi cho sự phát triển thương mại và quan hệ kinh tế giữa Nga và Iran, có vẻ như đã đến lúc để thực hiện một dự án như vậy. Việc xây dựng kênh đào xuyên Iran sẽ cải thiện dịch vụ hậu cần đường biển, và có thể góp phần tăng cường hệ thống phòng thủ trên biển của cả hai quốc gia trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Tehran và Matxcơva.
Mặc dù kênh đào có tầm quan trọng chiến lược, nhưng, hiện nay vẫn còn sớm để nói về việc khởi động dự án này. Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Iran, giáo sư Mahmoud Shoori nói lên quan điểm như sau:
"Vâng, cuộc thảo luận về tính khả thi của dự án nối Biển Caspian với các nước vùng Vịnh tiếp tục trong nhiều năm dài. Thành thật mà nói, đây chỉ là những cuộc thảo luận, trên thực tế dự án này chỉ là một ý tưởng, thậm chí chưa được khởi động. Lý do là bởi vì dự án này có quy mô rất lớn và rất tốn kém. Iran chỉ đơn giản không có khả năng thực hiện một dự án như vậy.
Nhưng, nếu có những bước đầu tiên nhằm thực hiện dự án này thì điều đó sẽ cải thiện đáng kể mối quan hệ của Iran với các nước láng giềng phía Bắc, với các nước Trung Á và Nga. Bởi vì trong trường hợp này biển Caspian sẽ nối với vùng biển quốc tế, sẽ có một đường thủy thương mại mới tạo điều kiện cho sự phát triển thương mại trong khu vực. Nhưng, vẫn còn sớm để nói về điều đó.
Một rào cản lớn với dự án này là quy chế pháp lý chưa được giải quyết của biển Caspian. Việc giải quyết vấn đề này có thể là một động lực quan trọng và cần thiết cho dự án xây dựng kênh đào xuyên Iran.
Thứ hai, để đạt được sự đồng thuận về các nước liên quan về dự án xây dựng đường thủy "Biển Caspian — Vịnh Ba Tư" cần phải tạo ra một tập đoàn quốc tế bao gồm các nước ven biển Caspian và các nước vùng Vịnh. Tất nhiên, Nga nên đóng một vai trò hàng đầu trong dự án này. Do đó, điểm then chốt trong việc khởi đầu một dự án quốc tế lớn như vậy là việc giải quyết vấn đề quy chế pháp lý của biển Caspian."