Khôi phục nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu thế

© Sputnik / Alexandr Polyakov / Chuyển đến kho ảnhnhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu thế
nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu thế - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu thế - giáo đường Chính thống lớn nhất của nước Nga hùng vĩ tọa lạc bên bờ sông Matxcova, cách không xa Điện Kremlin.

Công trình mà chúng ta thấy ngày nay được khôi phục vào những năm 1990, là bản sao một kiệt tác kiến trúc thế kỷ XIX. Tòa giáo đường đầu tiên đã bị phá hủy dưới thời Iosif Stalin.

Nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế được thi công lần đầu trong vòng 44 năm nhưng chỉ tồn tại 48 năm. Công trình dường như bị một số mệnh nghiệt ngã theo đuổi.

Theo kế hoạch ban đầu, đại giáo đường ghi nhớ công ơn những người anh hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812 được quyết định xây dựng trên đồi Chim Sẻ /Vorobiovye/. Lễ đặt móng long trọng diễn ra vào tháng 10 năm 1817. Công trình đồ sộ được phác thảo với dãy cột lớn và cầu thang đá rộng dẫn xuống bờ sông Matxcova. Kế hoạch đã không được thực hiện. Nước ngầm xói mòn nền đất và móng nhà thờ có nguy cơ trượt theo dốc đồi. Việc thi công bị đình chỉ.

Nỗ lực thứ hai diễn ra vào năm 1839. Công trình được giao phó cho kiến trúc sư Konstantin Ton. Từ chối đề án cũ, Konstantin Ton chọn vị trí mới cho đại giáo đường ở khu vực phố Volkhonka ngày nay. Ở đây có ni viện cổ Alexeevsky, người ta chuyển các nữ tu sĩ ra ngoại ô thành phố và phá hủy cơ ngơi cũ. Có lời đồn, nữ tu viện trưởng tức giận đã nguyền rủa: "Không gì có thể trụ được ở đây!" Và lời nguyền đã trở thành sự thật…

Nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế khánh thành vào tháng 5 năm 1883. Các cuộc cách mạng diễn ra ở Nga năm 1917 và những người Cộng sản lên nắm quyền coi tôn giáo như thứ "thuốc phiện đối với nhân dân." Hàng loạt nhà thờ và tu viện lần lượt bị đóng cửa, các linh mục bị xua đuổi. Chính quyền trẻ kỳ vọng cải tạo diện mạo thành phố, các tòa nhà đồ sộ bắt đầu xuất hiện trong khu vực trung tâm. Như báo chí Xô viết đã viết "Điện Kremlin trở nên nhỏ bé, với những nét vàng mạ cổ lỗ vô giá trị và lạc lõng trong kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa." Năm 1931, có quyết định xây dựng Cung Xô viết bề thế — như biểu tượng chiến thắng của ý thức hệ cộng sản trên mặt bằng của giáo đường. Trên đỉnh kết cấu cao 420 mét sẽ là bức tượng Lenin cao 100 mét.

Ngày 5 tháng 12 năm 1931, những người thợ cài mìn đã đặt thuốc nổ vào móng nhà thờ. Vụ nổ mạnh làm rung chuyển các tòa nhà xung quanh. Nhưng nhà thờ không đổ! Đội thợ chuyên nghiệp không tin vào mắt họ. Người ta phải tăng gấp đôi lượng thuốc nổ để phá vỡ các bức tường. Gần một năm rưỡi sau mặt bằng mới được dọn sạch.

Việc thi công Cung Xô viết buộc phải ngừng vì cuộc chiến tranh chống phát xít Đức và sau đó dự án hoàn toàn bị từ chối. Năm 1960, tại nơi nhà thờ bị phá hủy và công trình cung Xô viết không thành, xuất hiện bể bơi ngoài trời "Matxcova" mà người dân thủ đô đã sử dụng suốt ba thập kỷ.

Liên Xô sụp đổ, các phong trào xã hội đã đưa ra sáng kiến dựng lại nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế theo đúng thiết kế nhà thờ cũ đã bị phá hủy. Công trình hoàn thành ngày 31 tháng 12 năm 1999. Bước vào thế kỷ mới, thủ đô nước Nga nhận một món quà tuyệt vời, kiệt tác kiến trúc được phục chế trở thành điểm thăm quan hâm mộ của du khách.

Công trình có kích thước đáng kinh ngạc: mái chóp vàng cao 103 m, nhà thờ có sức chứa đến 10 nghìn người. Tường đá trắng tô điểm những bức phù điêu bằng đồng với các cốt truyện trong Kinh Thánh. Bài trí nhà thờ lộng lẫy với các bích họa tuyệt đẹp được thực hiện bởi bàn tay các nghệ nhân xuất sắc nhất của Nga. Trên những phiến đá cẩm thạch lớn được ốp dọc theo hành lang nhà thờ khắc họ tên những người lính Nga đã xả thân trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812, tham gia đánh đuổi đội quân xâm lược của Hoàng đế Pháp Napoleon khỏi nước Nga. Đại giáo đường Chúa Kitô Đấng Cứu thế Matxcova trở thành tượng đài của các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала