Khiêu vũ cùng Sputnik

© Sputnik / Andrey Alexandrov / Chuyển đến kho ảnhКонцерт "Я люблю тебя, Жизнь", посвященный Дню Союзного государства
Концерт Я люблю тебя, Жизнь, посвященный Дню Союзного государства - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sputnik quyết định giới thiệu để độc giả của trang web làm quen với những bài hát nổi tiếng và được yêu thích nhất của Nga. "Cuộc làm quen" của chúng ta sẽ tiến hành ở những giai đoạn khác nhau. Ta hãy bắt đầu với những bài dân ca Nga.

Mỗi dân tộc đều có một tâm hồn riêng, toát lên từ ngôn ngữ, từ truyền thống và, tất nhiên, từ những giai điệu lời ca. Tất cả những gì bao quanh làm chúng ta xao xuyến, rung động đều được phản ánh vào bức gương nghệ thuật dân gian. Đa số các bài dân ca không thuộc về một tác giả duy nhất hoặc không rõ tác giả. Cũng như khó thể trả lời trọn vẹn cho câu hỏi về sự ra đời, thay đổi và bổ sung của tác phẩm, xuất phát từ câu chuyện đời thực hay trí tưởng tượng của tác giả. Mỗi bài hát Nga đều có số phận rất riêng. Nhưng cuộc sống luôn là nền tảng cho những làn điệu dân gian thấm đượm tính cách Nga.

        Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn Top 5 ca khúc dân gian Nga theo "Sputnik".

1. Đôi ủng dạ

     "Đôi ủng dạ" — một bài hát dân ca Nga nổi tiếng. Ca khúc bắt đầu được chú ý vào đầu thế kỷ XX, sau khi nữ nghệ sĩ Di-gan Nastya Polyakova thu âm "Đôi ủng dạ" lên đĩa than. Bản ghi âm đầu tiên phát hành với số lượng lớn và trở thành ca khúc được yêu chuộng trong khắp các tầng lớp xã hội Nga những năm đầu thế kỷ, chẳng khác gì những đôi ủng dạ giản dị, thân thiết, không thể thiếu trong những tháng đông giá lạnh.

Sau Cách mạng, gia đình nghệ sĩ Polyakova đã di cư sang Pháp. Đến lượt những vị khách quen thuộc trong các quán cà phê Paris bắt đầu ngâm nga phụ họa theo giai điệu Nga sống động, về những đôi ủng dạ bí ẩn. Còn ở quê hương, ca khúc dần bị quên lãng.

"Đôi ủng dạ" hồi sinh trong Thế chiến II. Vào những năm tháng nghiệt ngã đối với hàng chục triệu người, nó trở thành một bài hát nổi tiếng của nhà nước Xô-viết, đặc biệt là qua sự thể hiện của Lydia Ruslanova — nữ ca sĩ số một trên sân khấu Liên Xô. Tháng 5 năm 1945, bà đã cất giọng hát vang bài "Đôi ủng dạ" trên bậc thang Reichstag (Tòa quốc hội Đức). Tiếng hát làm rung động lòng người. Nguyên soái Zhukov đã gỡ tấm huy chương trên ngực áo trao tặng cho Lydia Ruslanova. Sau buổi diễn, những người lính đề nghị nữ nghệ sĩ để lại chữ ký trên cột đá tòa nhà, bên cạnh tên những người đã tham gia đánh chiếm Berlin.

Cho đến nay, "Đôi ủng dạ" vẫn được nhiều ca sĩ trẻ ở Nga chọn làm tiết mục biểu diễn. Bài hát giản dị về những đôi ủng giờ đây không chỉ là một phần văn hóa Nga mà nhiều hơn thế, trở thành một biểu tượng.

Nữ nghệ sĩ, ca sĩ và người mẫu Polina Gagarina:

2. Niềm vui của lòng tôi

"Niềm vui của lòng tôi" ("Живёт моя отрада") là một bài dân ca rất đỗi quen thuộc với người Nga.

Lời thơ được nhà báo Sergei Ryskin viết vào năm 1882 dựa trên câu chuyện có thật từng gây chấn động ở nước Nga — vụ án chàng Nikolai con trai nhà thương gia Shaganov bắt cóc tiểu thư quí tộc Nadezhda nhà Loktev. Thời ấy kỳ thị đẳng cấp trong xã hội còn nặng nề, hôn nhân giữa quí tộc và thương gia được coi là không tương xứng.

Bị gia đình người con gái mình yêu say đắm khước từ lời cầu hôn, chàng Shaganov đã bắt cóc cô dâu. Hai người lén kết hôn tại nhà thờ ở ngôi làng lân cận. Bước ra khỏi giáo đường, tiểu thư quý tộc Nadezhda Lokteva trở thành vợ của nhà buôn trẻ Shaganov. Vụ bắt cóc được xét xử gần một năm nhưng kết cục có hậu. Nguôi cơn tức giận và hiểu là không thể đảo ngược tình thế, nhà Loktev đành chúc phúc cho cuộc hôn nhân đã rồi. Gia đình Shaganov sống hạnh phúc gần bốn thập kỷ, họ sinh được ba người con trai.

Phần nhạc của bài hát được cho là do nghệ sĩ guitar Di-gan Mikhail Shishkin soạn vào cuối thế kỷ XIX — đầu thế kỷ XX nhưng không có thông tin chính xác khẳng định ông đã viết hay soạn lại nhạc.

     "Niềm vui của lòng ta sống trong lầu cao. Nơi lầu cao chẳng thể ai bước vào…" — cho tới ngày nay không còn ai xa lại với những lời ca này. Ở nước Nga thời Sa hoàng, đó là bài hát của giới quý tộc lẫn tầng lớp thợ thuyền. Điệp khúc du dương cũng vang lên từ những chiếc máy hát và máy thu thanh thời Xô viết, đặc biệt là những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Những khổ thơ bình dị nhưng da diết, gieo tia hy vọng, ban tặng những giây phút thanh thản.

Không có gì ngạc nhiên khi bài hát rất nhanh chóng đi vào đời sống ở thôn xã, người ta quên mất ai là tác giả và coi "Niềm vui của lòng tôi" là giai điệu dân ca Nga. Bài hát đã giành được tình yêu dân gian thực sự.

 

3. Kalinka

Bài hát "Kalinka" từ lâu đã trở thành một biểu tượng của nước Nga và văn hóa Nga. Đôi khi người ta dùng lời điệp khúc "Kalinka-Malinka" để gọi tên bài hát. Ai đó đã ước tính là có tới nửa cư dân Trái đất từng được nghe và thậm chí có thể hát "Kalinka-Malinka". Nếu vậy, "Kalinka" không khác gì một giai điệu toàn hành tinh.

Rất lâu, người nghe và cả người diễn từng nghĩ "Kalinka" là ca khúc dân gian Nga; nhưng thực tế, người viết lời và nhạc cho bài hát là nhà soạn nhạc Ivan Larionov, cách đây hơn một thế kỷ rưỡi vào năm 1860. Những lời ca vừa dai diết, vừa hào hứng đã được Larionov lần đầu tiên đem tới khán giả trong một vở kịch trên sân khấu nghiệp dư ở thành phố Saratov. Chẳng bao lâu sau, giám đốc Dàn hợp xướng dân ca thứ nhất đã xin lại bài hát của nhà soạn nhạc và đưa vào tiết mục biểu diễn, kể từ đấy "Kalinka" bắt đầu chu du khắp thế giới.

Bước sang thế kỷ XX, "Kalinka" tiếp tục số phận may mắn. Ngoài được dàn hợp xướng dân gian thể hiện, "Kalinka" còn trở thành "bài tủ" của nữ nghệ sĩ lừng danh Nadezhda Plevitskaya. Năm 1920, cùng với hành trang của nữ danh ca di cư ra nước ngoài có tiết mục mà bà yêu thích.

Ngày nay, đóng góp hàng đầu phổ cập "Kalinka-Malinka" khắp thế giới phải kể đến Đoàn Ca múa nhạc Quân đội Alexandrov (hai lần vinh dự nhận danh hiệu Cờ Đỏ), cũng như cặp trượt băng nghệ thuật Irina Rodnina và Alexander Zaitsev, những người đã đoạt hàng loạt giải thưởng ở tất cả các châu lục dưới giai điệu nồng nhiệt đậm tính cách Nga "Kalinka".

 

4. Lau sậy xào xạc

Đây là một trong những bài dân ca Nga nổi tiếng và được ưa chuộng nhất. Hầu như tất cả những người nói tiếng Nga trên lãnh thổ Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ không ai không biết mấy câu đầu trong bài ca này «Lau sậy xào xạc, thân cây uốn cong…". Điệp khúc đầu thường y như nhau trong mọi phiên bản, còn từ điệp khúc thứ hai trở đi là dấu ấn phát triển sáng tác dân gian.

Không biết bài ca được hát lên lần đầu bao giờ và ở đâu. Mà nói chung cũng không được rõ điều gì về lịch sử tạo nên bài hát này.

Có ý kiến khá phổ biến cho rằng từ lâu đời đây là khúc ca của những anh chàng say xỉn trở về từ quán rượu. Bài hát gần gũi với hình ảnh một người uống say đến mức được coi là biểu tượng của cơn hưng phấn khác thường do chất cồn. Thế nhưng trên thực tế, đây lại là khúc hát lãng mạn ca ngợi tình yêu. Lời ca nói về đôi tình nhân dạo chơi bên nhau thâu đêm đến sáng mai. Đây là bài ca buồn — tình yêu hoá ra là nỗi bất hạnh và sự dối lừa. Và nỗi buồn thấm sâu trong giai điệu trữ tình nhấn thêm ý đó.

 5. Ôi, không phải chiều hôm              

Bài dân ca Nga «Ôi, không phải chiều hôm, không phải chiều hôm» xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII. Bài hát gắn với nhân vật lịch sử có thực là Stepan Razin — người Cô-dắc sông Đông, thủ lĩnh cuộc chiến Nông dân những năm 1670-1671.

 Cuộc sống đáng kinh ngạc, đầy rẫy phiêu lưu của con người yêu tự do khác thường và nổi loạn Stepan Razin diễn ra nơi  chiến địa và kết thúc trên đoạn đầu đài đã trở thành hình ảnh định tính cho các thủ lĩnh nổi dậy ở xứ Nga.

Nhân cách chói ngời vinh quang theo lối riêng của Stepan Razin gây sự ghen tị của bất kỳ vị quốc vương chính thống và hấp dẫn dân Nga, trước hết bởi sự cởi mở hồn nhiên và can đảm đến tuyệt vọng. Hình ảnh thống lĩnh ataman Stepan Razin in đậm trong ký ức của nhân dân như là anh hùng-người giải phóng. Phải chăng điều đó mỗi người cần tự quyết định cho chính mình. Nhưng không cần nghi ngờ gì Stepan Razin vẫn luôn là một trong những nhân vật tuyệt vời và có sức hấp dẫn bí ẩn, mà chỉ lịch sử có quyền phán xét.

Bài ca này còn được gọi là "Giấc mơ của Stepan Razin", bởi hát lên danh tính của người Cô-dắc, kể về giấc mộng xấu điềm báo tai hoạ. 

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала