Theo đó, ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô vẫn được giữ lại trong danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trong khi đó, ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô lại được bổ sung vào danh mục này.
Theo Báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam nhận thấy ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao, vì vậy, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời cũng hạn chế tác động có hại từ các cơ sở cung cấp dịch vụ này tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Qua kết quả phiếu xin ý kiến đa số đại biểu Quốc hội tán thành giữ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề này (290/439, chiếm 66,05%).
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng cho rằng, việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề sản xuất kinh doanh có điều kiện là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014. Đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.
Phiếu ý kiến cho thấy đa số đại biểu tán thành bổ sung ngành, nghề này (348/439, chiếm 79,3%).
Trước đó, thảo luận tại hội trường ngày 19/11, nhiều vị đại biểu cũng bày tỏ sự tán thành việc "đặt điều kiện" cho ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô nhưng cần xem lại việc đưa hoạt động nhập khẩu ô tô và danh mục.
Được biết, cũng có ý kiến (của đại biểu Hà Nội) cho rằng, nhập khẩu ô tô là hoạt động thương mại thuần túy như các doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh này đòi hỏi phải được bình đẳng, nhất là khi đang có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, vị đại biểu đánh giá, nếu hạn chế, đưa hoạt động nhập khẩu vào ngành nghề có điều kiện thì không phù hợp.
Nguồn: dantri.com.vn