Arbat "Cũ" mà năm ngoái tổ chức kỷ niệm mốc 520 năm tuổi — có qui chế khu di tích lịch sử được bảo tồn của Matxcơva, là phố đi bộ. Ở đây đường phố lát đá chạy giữa những tòa biệt thự cổ kính, người Matxcơva và du khách thong thả dạo chơi. Trên Arbat có rất nhiều các quán cà phê ấm cúng, các nghệ sĩ đường phố chơi đàn và hát hoặc biểu diễn các tiết mục tạp kỹ, và bao giờ cũng có cảnh du khách háo hức chọn mua các món đồ lưu niệm ở các quầy, các cửa hiệu san sát.
Còn Novyi Arbat — phố Arbat Mới được xây dựng vào năm 1960 thì hoàn toàn khác. Đó là con đường cao tốc nhộn nhịp, ồn ào, hai bên là những tòa nhà cao tầng hiện đại bằng bê-tông và kính sáng loáng, những cửa hiệu sang trọng, restaurant, nhà băng…
Arbat "Cũ" sở hữu vẻ quyến rũ riêng biệt và kỳ diệu. Nếu điện Kremlin được gọi là trái tim của Matxcơva thì Arbat chính là tâm hồn của đô thị này. Về đường phố này đã có bao nhiêu bài thơ và khúc hát.
Với Novyi Arbat là thái độ có phần kiềm chế dè dặt hơn.
Lần đầu tiên Arbat được nhắc tới là trong tài liệu lịch sử năm 1493. Nguyên cớ chẳng vui gì: Tại giáo đường địa phương bắt đầu đám cháy, ngọn lửa lan sang các dãy nhà khác. Thành phố chút nữa thì hóa tro tàn. Những căn nhà gỗ của các thương nhân Arbat và thợ thủ công bị hỏa hoạn khá thường xuyên. Giữa thế kỷ XVIII, sau một đám cháy kế tiếp, phố cần được tái thiết. Arbat phục hồi đã thành chốn thu hút giới quý tộc: các quầy hàng của nghệ nhân thủ công và thương gia được thay thế bằng những "tổ ấm quí tộc" — những biệt thự giàu sang mang phong cách đế chế, bao quanh là khu vườn được xén tỉa cận thận.
Cho đến tận nửa sau thế kỷ XIX trên Arbat không có một cửa hiệu nào: tầng lớp các nhân vật cao sang không muốn nhìn thấy những cơ sở như vậy trên đường phố quí tộc. Nhưng thời thế đã đổi thay: giai cấp tư sản thị dân Matxcơva ngày càng nổi lên, tích cực phô trương thanh thế, không ngần ngại xâm nhập vào vùng "cấm địa". Arbat yên tĩnh trở nên sôi động. Xuất hiện vô số cửa hiệu, khách sạn và nhà hàng. Tên tuổi chủ sở hữu các trung tâm mua sắm lớn trên Arbat và hàng hóa của họ được cả nước Nga biết đến như rượu vang Shustov, đồ ngọt Einem, bánh mì tròn Filippov.
Về ông chủ bánh mì tròn Ivan Filippov thiên hạ truyền nhau nhiều chuyện hài hước. Một lần Tổng đốc Matxcơva Zakrevskii nhận thấy trong ruột bánh có nguyên một…con gián nướng. Tướng quân nổi trận lôi đình cho đòi ông chủ hiệu bánh đến xỉ vả. "Cái quái gì đây?" — Zakrevskii hét lên, chìa ra trước mũi Filippov miếng bánh mì "có nhân". "Nho khô đấy ạ, thưa tướng công", — ông chủ hiệu bánh vội đáp và nhanh chóng ăn ngay miếng bánh, thủ tiêu tang vật. "Bánh của nhà ngươi chưa bao giờ có nho khô!", — Tổng đốc Zakrevskii chưa nguôi giận. "Bây giờ thì có ạ". Chạy về hiệu bánh, Filippov lập tức vớ lấy hộp nho khô và đổ vào đống bột. Loại bánh tròn có nho khô bên trong thành món ưa thích cả của tướng quân Tổng đốc, các nhà quí tộc cũng như thị dân Matxcơva bình thường, tất cả háo hức chờ mua những mẻ bánh mới nóng hổi ngon lành.
Vào đầu thế kỷ trước trên Arbat sôi nổi không chỉ hoạt động thương mại, mà cả đời sống văn hóa. Năm 1913 tại nhà số 26 dựng lên Nhà hát sinh viên, bây giờ là Học viên Sân khấu mang tên E. Vakhtangov. Còn nhà số 17 trở thành "Lâu đài văn học": các thi sĩ trẻ đến đây trình bày những sáng tác mới của họ. Thời nay, toàn bộ con đường này biến thành "sân khấu " lớn dành cho các nhà thơ, ca sĩ và nhạc sĩ đường phố.
Năm 1963, xuyên qua các ngõ phố cũ của Matxcơva, người ta mở đại lộ Kalinin thênh thang, với tên gọi nhằm tôn vinh nhà lãnh đạo đảng xô-viết. 30 năm sau, khi Liên Xô lui về quá khứ, đại lộ này đổi tên thành Novyi Arbat. Trên cả hai bên đại lộ đã dựng nhiều tòa nhà cao tầng độc đáo. Từ một phía là bốn tòa nhà 26 tầng, hình dáng giống như những cuốn sách mở, bên trong bố trí những cơ quan Nhà nước khác nhau. Đối diện với những "cuốn sách" có tòa chung cư 24 tầng nhiều đơn nguyên.
Thật đáng tiếc là khi xây dựng Novyi Arbat nhiều di tích kiến trúc quí đã bị mất. Còn sót lại một cách thần kỳ chỉ có ngôi biệt thự cổ của thương gia Arseny Morozov (nhà số 16). Đương thời, tòa biệt thự này từng là đề tài gây nhiều tranh cãi. Người ta nói rằng bà mẹ của Morozov khi nhìn thấy tòa nhà xây dựng tốn kém này đã thốt lên rằng: "Từ trước đến nay, chỉ mình ta biết anh là thằng ngốc. Nhưng bây giờ thì cả Matxcơva sẽ biết". Dường như số mệnh đã định đoạt rằng nhà triệu phú lập dị không sống lâu trong ngôi nhà khác thường này. Năm 1908, trong một cuộc cá cược, ông ta đã tự bắn vào chân mình, cố gắng chứng minh rằng con người có thể chịu đựng bất cứ đau đớn. Vết thương gây nhiễm trùng máu và Morozov qua đời ở tuổi 35. Hiện nay, lâu đài này là Nhà Lễ tân của Chính phủ Nga.
Một trong những danh thắng kiến trúc nổi bật của thời kỳ xô-viết là tòa nhà cao tầng của chính quyền Matxcơva (nhà số 36), kiệt tác của chủ nghĩa hiện đại xô-viết. Trước kia ở đây từng là Trụ sở Ban Thư ký Hội đồng tương trợ kinh tế của các quốc gia XHCN.
Trong những năm 1990, cả hai Arbat đều trải qua kỳ đại tái thiết. Không phải là toàn thể người dân Matxcơva đều hài lòng với kết quả của cuộc đại tu. Nhưng biết làm sao khác được: Matxcơva đổi thay nhanh chóng, cố gắng để nhịp bước cùng thời đại.