Đó là một trong những nội dung được ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết tại buổi cung cấp thông tin báo chí diễn ra ở TPHCM ngày 14/12.
Theo đó, dù mức sinh thay thế trên cả nước trong 10 năm qua khá ổn định với 2,1 con/phụ nữ, nhưng mức sinh không đồng đều theo vùng miền. Tại TPHCM số con bình quân trên mỗi phụ nữ là 1,3; khu vực Đông Nam Bộ 1,5 cả Miền Nam là 1,7. Trong khi đó, các vùng thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Miền Trung số trẻ trung bình được sinh ra từ 1 người mẹ lại ở mức rất cao, từ 2,5 đến 3,1 trẻ/mẹ, cao hơn nhiều so với mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1.
Thực trạng trên đang gây nhiều nỗi lo bởi những vùng có điều kiện đời sống cao thì mức sinh lại thấp, những vùng khó khăn, nhà nước còn phải đầu tư chất lượng dân số thấp mức sinh lại cao. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số trong tương lai. Cụ thể, tại khu vực phía Nam, với số trẻ được sinh ra dưới mức thay thế tốc độ già hóa dân số sẽ gia tăng rất nhanh.
Hiện tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, bên cạnh đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra trên cả nước song khu vực phía Bắc nghiêm trọng hơn. Theo phân tích của ông Nhạc thì: "Một quốc gia khi ở giai đoạn dân số vàng thì người trong độ tuổi lao động sẽ chiếm 2/3 so với người già và trẻ em. Hiện Việt Nam đã vượt qua ngưỡng này để rơi vào mức già hóa, bắt đầu từ năm 2011 số người tuổi 60 trở lên trên cả nước đã chiếm 10%".
Nếu các quốc gia thuộc khu vực Châu Âu, giai đoạn chuyển tiếp từ dân số vàng sang già hóa phải mất cả trăm năm, hay ít nhất ở Trung Quốc và Nhật Bản là 26 năm, nhưng Việt Nam chỉ có 18 năm đã hoàn tất giai đoạn này. Đây khó khăn rất lớn ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Ở các quốc gia có tốc độ già hóa dân số xảy ra chậm, chính phủ sẽ chủ động được các phương án phù hợp tạo điều kiện thuận lợi nâng cao đời sống, an sinh xã hội, khám chữa bệnh, chăm sóc người cao tuổi.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi tốc độ già hóa dân số và những khó khăn về kinh tế trong những năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư cho phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mặt khác, chúng ta cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực lên sự phát triển kinh tế, xã hội do nhóm người trong độ tuổi lao động ngày càng ít đi.
Để các chiến lược dân số phù hợp với tình hình mới, ngành y tế đang chủ động thực hiện các phương án đầu tư vào tư vấn chăm sóc sinh khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, tầm soát mầm bệnh trong bào thai để cứu chữa hoặc đình chỉ thai kỳ (nếu thai dị tật nặng hoặc quái thai); sàng lọc sau sinh lấy máu tầm soát sớm các loại bệnh bẩm sinh để cứu chữa sớm, tránh cho trẻ bị ảnh hưởng đến giai đoạn trưởng thành. Bên cạnh đó những nỗ lực tư vấn, chăm sóc theo vòng đời, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng bước đầu được thực hiện.
Ngành Dân số đang có những chuyển hướng chiến lược từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển nhằm kiểm soát quy mô, chất lượng dân số, phát triển ổn định nguồn nhân lực cho quốc gia. Thông điệp mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1 đến 2 con trước đây sẽ được thay thế thành "mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con" thực hiện cho cả nước.
Trước mắt, phía Nam có mức sinh thấp, đòi hỏi phải có sự điều tiết theo hướng tăng tỷ lệ sinh sản của các cặp vợ chồng. Ông Lê Cảnh Nhạc cho rằng: "Cần thưởng cho những cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở những khu vực có mức sinh thấp để khuyến khích họ, việc khen thưởng ra sao các địa phương sẽ tự hoạch định. Tổng cục Dân số sẽ lưu tâm đến vấn đề này để tham mưu cho cấp trên. Mặt khác, các vùng có tỷ lệ sinh cao hơn mức thay thế ngành dân số sẽ khuyến cáo cộng đồng giảm sinh, đưa về mức sinh thay thế để tăng chất lượng dân số.
Theo: dantri.com.vn