Hai thế kỷ qua, tác phẩm huyền thoại của Ernst Theodor Amadeus Hoffmann đã được chyển thể thành phim truyện, phim hoạt hình, vở ba lê và thậm chí opera. Dường như lịch diễn của nhà hát nào cũng nhất định phải có câu chuyện cổ tích mùa đông thu hút khán giả trẻ em cũng như người lớn.
Cổ tích của cổ tích
Khung cảnh Giáng sinh thần tiên được nhà văn Hoffman 30 tuổi viết tặng hai con của người bạn là Julius Hitzig. Tên của những khán giả đầu tiên — Marie và Fritz — đã trở thành bất hủ cùng những trang truyện cổ tích, cũng không khó đoán ra tác giả trong vai người cha đỡ đầu Drosselmeyer. Kẹp hạt dẻ đã được in trong cuốn "Chuyện cổ tích trẻ em của Karl Wilhelm Salice Contessa, Friedrich de la Motte-Fouquet và E.T.A. Hoffmann."
Cuốn sách được xem là tuyển tập đầu tiên các tác phẩm thiếu nhi lãng mạn của nền văn học Đức. Mặc dù cần phải nói rằng cốt chuyện nguyên bản của Kẹp hạt dẻ không vui vẻ tưng bừng như chúng ta quen cảm nhận ngày nay. Trước khi đến được Lâu đài hạnh nhân, các nhân vật của Hoffman phải trải qua những thăng trầm đầy u ám có thể cung cấp không ít ý tưởng cho truyện kinh dị hiện đại. Dù vậy, cuốn sách vẫn thu được thành công.
Năm 1844, Alexander Dumas Cha đã soạn lại một phỏng tác bớt vô hại cho câu chuyện cổ tích. Vì độc giả Pháp xa lạ với sự u ám của văn học lãng mạn Đức nên phiên bản của Dumas có nhiều nét chung với Ba chàng lính ngự lâm hơn tác phẩm của Hoffmann.
Ba lê của mọi thời đại
Vở ba lê thứ ba của nhà soạn nhạc Tchaikovsky cùng vũ đạo của Petipa — Kẹp hạt dẻ — đã ra mắt trên sân khấu Nhà hát Hoàng gia Mariinsky, St Petersburg vào tháng 12 năm 1892. Tác phẩm mang tính cách tân trước hết bởi những hình tượng âm nhạc phức tạp, làm nhà soạn nhạc vấp phải không ít khó khăn.
Vào đầu Thế chiến I, khi tinh thần yêu nước ở Nga nổi lên mạnh mẽ, Kẹp hạt dẻ buộc phải Nga hóa. Marie trở thành Masha, còn Fritz — một nhân vật phản diện — cho đến ngày nay vẫn mang tên bằng tiếng Đức. Năm 1919, vở ba lê xuất hiện trong lịch diễn của Nhà hát Bolshoi, Moskva, và từ năm 1966 được diễn hàng năm vào tối 31 tháng 12. Cũng khi ấy phiên bản ba lê cổ điển của Yuri Grigorovich đã ra đời. Nhân vật chính là Masha do nữ nghệ sĩ Ekaterina Maximova thể hiện vô cùng xuất sắc. Grigorovich đã kể lại câu chuyện cổ tích Năm mới với chặng đường chông gai của nhân vật từ một đứa trẻ lớn lên thành người.
Ở nước ngoài, Kẹp hạt dẻ đáng được chú ý với phiên bản George Balanchine dựng năm 1954 và hàng năm là vở diễn không thể thiếu của New York City Ballet, cũng như dàn dựng của Rudolf Nureyev tại sân khấu Ba lê Hoàng gia Stockholm năm 1967.
Chẳng có gì là ngạc nhiên khi các đạo diễn phim và hoạt hình cũng hướng tầm mắt vào câu chuyện độc đáo dành cho trẻ em. Walt Disney cho ra sản phẩm đầu tiên. Năm 1940, studio đã công chiếu phim hoạt hình Fantasia gồm chín đoạn trích kết hợp các cốt chuyện với nhạc cổ điển. Kẹp hạt dẻ trở thành một viên ngọc quý của bộ sưu tập này.
Các nhà làm phim trên thế giới đã nhiều lần trở lại với câu chuyện kinh điển. Năm 2011, đạo diễn điện ảnh Nga Andrei Konchalovsky hoàn thành bộ phim truyện 3D mà ông thú nhận đã ấp ủ kế hoạch trong 40 năm. Phim được thực hiện với quy mô Hollywood. Trường quay diễn ra tại Anh và Hungary, ngân sách phim là 90 triệu USD. Tuy nhiên, bộ phim với nhiều hiệu ứng đặc biệt và các diễn viên người Mỹ đã không thu được lợi nhuận mong đợi ở các rạp chiếu Nga.
Hôm nay, Kẹp hạt dẻ vẫn là một cốt chuyện được khán giả mong đợi và là nguồn cảm hứng sáng tác. Ví dụ, tại Bảo tàng nghệ thuật trang trí và dân gian Nga đã khai mạc cuộc triển lãm "Kẹp hạt dẻ. Bảo tàng của hiện thực tuyệt diệu." Khách xem mang vòng tay đặc biệt có một chiếc hạt — chìa khóa bước vào thế giới Kẹp hạt dẻ, "mở" ra gần bốn mươi đối tượng của cuộc triển lãm. Ở đây có căn nhà bánh gừng, hang chuột và cây cầu huyền diệu cùng những tấm ván hình phím.