Đoàn giám sát này chuyên trách về thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và tình hình thực hiện các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Giám sát chặt công tác hỗ trợ thiệt hại do Formosa
Chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh do ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn.
Đối tượng giám sát là Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với các bộ, ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Thông tin và Truyền thông; cũng là cơ quan chịu giám sát của chuyên đề này.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; các doanh nghiệp, các ban quản lý dự án, chương trình khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; các ngân hàng thương mại cho vay đối với tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này cũng phải chịu sự giám sát.
Những nội dung trọng tâm đoàn giám sát tiến hành là việc ban hành chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và chính sách, pháp luật liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh phục vụ cho việc khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển; công tác chỉ đạo, điều hành vấn đề này của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; việc thực hiện chính sách, quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản…
Đồng thời, đoàn sẽ giám sát các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả và tính bền vững trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản (như trong phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển, phát triển các khu kinh tế biển, khu kinh tế quốc phòng biển, đảo; hợp tác nghề cá với các nước…); thực trạng vi phạm quy định pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và đảm quốc phòng, an ninh trên biển.
Trọng tâm giám sát còn bao gồm đánh giá kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản như chính sách tín dụng, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển, hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn trên biển…
Trong đó làm rõ các chính sách hỗ trợ và bảo đảm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản bị thiệt hại do sự cố môi trường biển xảy ra từ ngày 6.4.2016 tại 4 tỉnh Miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên — Huế) và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thông qua giám sát, đoàn sẽ làm rõ nguyên nhân của kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Giám sát các công trình BOT
UBTV Quốc hội cũng sẽ thực hiện giám sát tình hình thực hiện các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Thành viên đoàn giám sát gồm 20 người, do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, làm trưởng đoàn.
Mục đích của đoàn giám sát là rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; Đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung trên trong giai đoạn từ năm 2011 — 2016; chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập…
Cùng với đó là xác định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan, kiến nghị để hoàn thiện các hình thức đầu tư khác (như hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng-chuyển giao (BT)…) (nếu có).
Nội dung triển khai là tình hình ban hành chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; tình hình thực hiện các dự án BOT trên thực tế, tập trung chủ yếu và trình tự triển khai theo các bước: chiến lược, quy hoạch; phê duyệt chủ trương đầu tư; lập tiền khả thi và khả thi; đấu thầu; đầu tư xây dựng; khai thác, vận hành (phí và lộ trình tăng phí).
Trong đó, chú ý tính công khai, minh bạch, hợp lý khi phê duyệt chủ trương đầu tư, lập khảo sát thực tế, lập dự toán, giám sát chất lượng thiết kế, thi công, cân bằng lợi ích các bên trong xác định mức phí, chống thất thoát thu phí. Cuối cùng là bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật.
UBTV Quốc hội đánh giá, việc khai thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xức trong nhân dân như: thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án; bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định; việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, dư luận bức xúc.
Nguồn: motthegioi.vn