Trên phố này vẫn duy trì được nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Khi ca ngợi phố Pyatnitskaya, một trong những nhà thơ Moskva đã gọi nó là "viên kim cương" của thủ đô Nga.
Nhiều thế kỷ trước, đây là con đường cổ ngựa xe tấp nập dẫn đến các thành phố miền Nam nước Nga. Nhiều thương nhân nhanh nhạy đã đưa hàng hóa bán ngay bên vệ đường. Từ thế kỷ XVI, họ bắt đầu xây dựng nhà ở và các cửa hiệu dọc theo con đường này. Và thế là hình thành con phố Pyatnitskaya buôn bán nhộn nhịp.
Tên phố được đặt theo nhà thờ Thánh Paraskeva Pyatnitsa, được xây dựng vào thế kỷ XVI. Thánh Paraskeva Pyatnitsa là người bảo trợ du khách và thương nhân, vì vậy các ngôi đền tôn vinh bà thường được xây dựng bên các tuyến đường giao thông và các khu vực chợ búa. Với người dân Moskva, nhà thờ trên phố Pyatnitskaya rất linh thiêng: đây là nơi thờ bức tranh thánh Đức Mẹ Thiên Chúa. Năm 1739, nhờ đóng góp của các vị thương gia giàu có, nhà thờ đã được xây dựng lại toàn bộ và Moskva có thêm một kiệt tác kiến trúc đẹp hiếm thấy. Người đương thời nói rằng "không thể bước vào nhà thờ này mà không cảm thấy tôn kính." Tiếc thay, ngày nay ta chỉ có thể thấy thánh đường đó trong các bức ảnh cũ: năm 1935, nhà thờ đã bị phá hủy. Tám năm sau, trên nền cũ của nhà thờ này, chính quyền đã dựng lên ga tàu điện ngầm Pyatnitskaya.
May mắn thay, trên phố Pyatnitskaya còn lưu giữ được nhiều nhà thờ đẹp khác. Đặc biệt là nhà thờ Thánh Clement năm mái vòm, được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII theo phong cách hậu Baroque. Đây là tượng đài kiến trúc nhà thờ độc đáo của Moskva. Ngay cả những người tàn nhẫn phá hủy nhà thờ Paraskeva và hàng trăm nhà thờ khác ở Moskva cũng hiểu được giá trị của nó. Nhờ vậy mà nhà thờ Thánh Clement còn lại cho đến ngày nay. Từ năm 1929 nó được sử dụng để làm thư viện và chỉ đến năm 2008 mới được trả lại cho Giáo hội Chính thống Nga.
Trong nửa sau của thế kỷ XIX, phố Pyatnitskaya xây dựng thêm nhiều nhà mới: Dọc theo đường phố xuất hiện các tòa biệt thự của những thương gia giàu có. Ngôi nhà đồ sộ ba tầng số 1 là dinh thự của "Vua vodka" Nga Pyotr Smirnov, người sáng lập thương hiệu "Smirnoff" nổi tiếng thế giới. Vốn là con trai của một nông nô, ông từ tỉnh lẻ chuyển đến Moskva để buôn bán rượu. Đồ uống của ông có chất lượng tuyệt hảo, không chỉ được đánh giá cao ở Nga mà còn giành huy chương vàng tại Vienna, Paris, Chicago, Philadelphia. Smirnov vinh dự được phong là nhà cung cấp rượu cho triều đình Nga và được in trên nhãn chai rượu hình ảnh biểu tượng của Đế chế Nga.
Nhiều người qua đường không thể không bước chậm lại để chiêm ngưỡng ngôi nhà số 64 nổi tiếng với hai con sư tử đá — kiệt tác kiến trúc Modern Moskva. Có lẽ đây là tòa nhà độc đáo nhất trên Pyatnitskaya. Nó được xây dựng vào năm 1897, hai con sư tử đá canh giữ ngôi nhà lớn như một tòa cung điện. Mặt tiền của nó là tượng đài với bốn cây cột, trang trí với những hình đắp nổi và tác phẩm điêu khắc thanh lịch. Bên trái mặt tiền là một ngôi tháp hình bát giác với trang trí phong phú, phía trên là mái vòm. Biệt thự được trang trí đa dạng, không chỉ bên ngoài mà cả bên trong: cho đến nay vẫn bảo tồn được một số phòng tinh xảo. Sau cuộc cách mạng năm 1917, nơi đây là trụ sở Quận ủy Zamoskvoretskiy, nơi mà lãnh tụ cộng sản Vladimir Lenin đăng ký sinh hoạt Đảng. Ngày nay, tòa nhà sang trọng này thuộc sở hữu của Bộ Năng lượng LB Nga.
Tại các thời điểm khác nhau, phố Pyatnitskaya là nơi cư ngụ của nhiều người nổi tiếng và tài năng. Ngôi nhà nhỏ một tầng số 12 đã che chở nhà văn trẻ Lev Tolstoy trong hai năm. Ngày nay, đây là nhà bảo tàng mang tên đại văn hào của nước Nga. Căn biệt thự hai tầng thế kỷ XIX (nhà số 46) là nơi sống của nhà đạo diễn phim câm nổi tiếng Yakov Protazanov, một trong những nhà tiên phong của điện ảnh Nga. Trong ngôi nhà rộng lớn số 71, khoảng 100 năm trước là xưởng in của nhà khai sáng Ivan Sytina, một trong những nhà in lớn nhất ở châu Âu thời bấy giờ.
Du khách có thể đi lang thang trên phố Pyatnitskaya trong nhiều giờ liền, có thể vào các thánh đường, chiêm ngưỡng các tòa nhà cổ, thưởng thức bầu không khí ấm cúng, yên tĩnh của những ngõ nhỏ nơi đây. Tất cả những điều đó là những góc cạnh kỳ diệu của "viên kim cương" Pyatnitskaya.