Mỗi người dân gánh 23 triệu nợ công
Theo đồng hồ nợ công toàn cầu The Global Debt Clock trên trang Economist.com, tính đến ngày 11/1, nợ công của Việt Nam đang là 94,85 tỷ USD, tương đương 45,6% GDP.
Nếu tính bình quân, mỗi người đang phải gánh khoản nợ 1.039 USD (khoảng 23 triệu đồng), mức gia tăng nợ là 9,3% /năm. So với một vài năm trước, nợ công thời điểm hiện tại của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng.
Theo thống kê của The Economist, vào năm 2010 đồng hồ nợ công điểm Việt Nam ở mức 45 tỉ USD (bằng 50% GDP), chia bình quân là 521 USD/người. Đến năm 2012 nợ công tăng lên 62,5 tỉ USD, bình quân 704 USD/người.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính Phủ khoảng 53,62%. Hai con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 — 2020.
Trong bối cảnh nợ công đang ngày càng tăng cao thì Việt Nam lại đang đối mặt thêm với một mối lo khác, đó là phải trả nợ nhanh gấp đôi.
Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, cụ thể phải tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc.
Lắp đồng hồ nợ công Việt Nam?
Nhiều ĐBQH cho rằng cần phải công bố đồng hồ nợ công và đặt ở vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Chính phủ phải làm được như vậy việc công khai, minh bạch mới được coi là thực chất, nếu không, công khai, minh bạch cũng chỉ là một đề xuất mang tính hình thức, khó thuyết phục được người dân.
"Không riêng gì Bộ Tài chính, hầu hết các ĐBQH, cử tri và người dân cả nước đều mong muốn được biết rõ sức khỏe tình hình kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay như thế nào. Trên cơ sở đó mới có những giải pháp, kế sách giúp cho kinh tế, xã hội phát triển ổn định", ông Đỗ Đức Hồng Hà, ĐBQH Hà Nội bày tỏ.
Nguồn: Báo Đất Việt