Bí mật tòa đại sứ đẹp nhất tại Moskva (Video)

© Ảnh : NVOĐại sứ quán Pháp trên phố Bolshaya Yakimanka
Đại sứ quán Pháp trên phố Bolshaya Yakimanka - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Phố Bolshaya Yakimanka ở trung tâm Moskva có không ít công trình kiến trúc nổi tiếng, nhưng trong số đó có một ngôi nhà xứng đáng được du khách đặc biệt quan tâm.

Chúng ta đang nói về tòa biệt thự hai tầng xây bằng gạch đỏ sẫm, trang trí bằng gạch màu sặc sỡ và phức tạp. Ngày nay, đó là tòa Đại sứ quán Pháp tại Nga.

Ngôi nhà giống như một tòa tháp Nga thời Trung cổ này được xây dựng năm 1895 theo đơn đặt hàng của thương gia Nicholas Igumnov. Ông chỉ sống ở đó sáu năm, nhưng cho đến ngày nay người dân Moskva vẫn gắn ngôi nhà này với tên ông và lưu truyền nhiều câu chuyện bí ẩn.

Sinh ra tại thành phố tỉnh lẻ Yaroslavl, Igumnov là một người rất giàu có. Ông sở hữu một số nhà máy sản xuất vải lanh tại Yaroslavl và có mỏ vàng ở Siberia. Chuyển đến Moskva, Igumnov quyết định lớn tiếng tuyên bố về mình bằng cách xây dựng một ngôi nhà sang trọng và khác thường nhất trong thành phố. Tác giả của dự án là Nicholas Pozdeev. Vị kiến trúc sư trẻ tài năng này chỉ sống được tới năm 37 tuổi, lâu đài Igumnov là tác phẩm cuối cùng và xuất sắc nhất của ông.

Ngôi nhà xây dựng theo phong cách Nga, rất phổ biến vào cuối thế kỷ XIX — đầu thế kỷ XX. Trên mặt tiền của căn biệt thự có nhiều tháp, mái vòm, cột và các trang trí đẹp mắt và hài hòa. Igumnov không tiếc tiền khi xây tòa dinh thự: gạch được đặt mua từ Hà Lan, những viên gạch men tô điểm cho mặt tiền do chính nhà máy sứ nổi tiếng Matvei Kuznetsov sản xuất.

Cả thành phố Moskva xôn xao về tòa nhà của Igumnov, nhưng không phải như vị thương gia mong đợi. Người Moskva không thích tòa biệt thự sặc sỡ và khác thường, chủ nhân được coi là tay lập dị. Kiến trúc sư Pozdeev cũng không thoát khỏi dèm pha. Người ta kể rằng kiến trúc sư đã không chịu đựng nổi sự nhạo báng và đã tự tử. Tuy nhiên, theo phiên bản chính thức, Pozdeyev qua đời vì một căn bệnh nan y. Gần một trăm năm sau khi ông chết, danh tiếng mới đến với nghệ nhân này.

Và thế là Igumnov không thể chinh phục được Moskva: xã hội thượng lưu không chấp nhận tay nhà giàu tỉnh lẻ "mới nổi", còn trong giới thương gia ông cũng đã kịp gây oán chuốc thù. Nhiều lời đồn thổi loang ra trong thành phố. Người ta rỉ tai nhau rằng Igumnov đưa về nhà một cô tình nhân trẻ. Có lần ông bắt gặp cô ta trong vòng tay một người đàn ông khác. Thương gia tức giận đuổi tình địch ra khỏi nhà và ra lệnh chôn sống cô gái vào trong tường nhà. Dân Moskva đồn rằng kể từ đó có bóng ma nữ thường vật vờ lang thang trong hành lang của tòa biệt thự.

Năm 1901, Igumnov quyết định tổ chức một vũ hội lớn trong tòa nhà của mình. Để gây ấn tượng với khách, ông cho rải những đồng tiền vàng xuống sàn khiêu vũ. Kiểu chơi ngông này lại trở thành trò đùa tàn nhẫn đối với thương gia: trên những đồng tiền mà các cặp trai gái khiêu vũ dẫm chân lên có in hình Nga Hoàng. "Những kẻ tốt bụng" nhanh chóng bẩm báo lên nhà vua: khách nhà Igumnov chà đạp lên mặt Rồng. Nga Hoàng tức giận trục xuất vị thương gia ra khỏi Matxcơva. Igumnov vĩnh viễn rời khỏi ngôi nhà của mình và chuyển đến vùng Kavkaz.

Xin nói thêm vài lời về nhân vật của chúng ta. Igumnov đã xây dựng một nhà máy cá hộp trên bờ biển phía Đông của Biển Đen. Nhà máy này mang lại cho ông ta những khoản thu nhập khổng lồ và ngay sau đó vị thương gia lại xây dựng cho mình một "cung điện" mới trên bờ biển. Sau cách mạng tháng Mười, tài sản của Igumnov bị quốc hữu hóa. Ngôi nhà của ông ở Moskva được trao cho Viện huyết học. Người đứng đầu Viện là Alexander Bogdanov cho rằng nếu truyền máu của thanh niên cho người già thì có thể cải lão hoàn đồng. Lý thuyết đó được Josef Stalin và các lãnh đạo khác của chính phủ Liên Xô quan tâm: họ bị cuốn hút bởi ý tưởng "trẻ mãi không già." Bogdanov đã cho tiến hành thử nghiệm trên chính cơ thể mình. Năm 1928, việc truyền máu gây ra một kết thúc bi kịch: nhà thử nghiệm thiệt mạng vì bị sốc phản vệ.

Sau cái chết của Bogdanov, tòa nhà Igumnov được chuyển cho một tổ chức khác là Viện nghiên cứu não. Bằng cách nghiên cứu bộ não của các nhân vật nổi tiếng gồm các nhà khoa học, nhà làm phim, nhà văn, chính trị gia Liên Xô đã qua đời, các nhân viên Viện này hy vọng sẽ "giải mã " được bản chất của thiên tài. Không ai biết gì về những thí nghiệm được tiến hành trong các bức tường của tòa nhà Igumnov, chỉ biết rằng các nhà khoa học đã không thể làm sáng tỏ những bí ẩn về sự xuất hiện thiên tài. Năm 1938, chính phủ Liên Xô chuyển nhà Igumnov cho Đại sứ quán Pháp.

Ngày nay, tòa lâu đài trên phố Bolshaya Yakimanka được coi là một trong những kiệt tác nổi bật nhất của kiến trúc Moskva thế kỷ XIX.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала