Hai nhà lãnh đạo cho rằng đây là tồn tại chủ yếu của quan hệ Việt —Trung, là vấn đề phức tạp và hệ trọng, tác động rất lớn đến thực trạng quan hệ hai nước, cũng như cục diện và tình hình khu vực, thế giới.
Ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)", cùng ASEAN sớm hoàn tất "Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)".
Ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ làm hết sức mình ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công hội nghị cấp cao APEC 2017; phía Việt Nam bày tỏ ủng hộ Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác quốc tế về "Một vành đai, một con đường" trong năm 2017.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tuân thủ nhận thức chung mà hai nước đã đạt được và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam — Trung Quốc", sử dụng cơ chế đàm phán để tìm kiếm giải pháp chung.
Hai bên cũng nhất trí cần thúc đẩy hợp tác trên biển sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên khẳng định tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Ngoài ra, các bên cũng trao đổi về lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ồng Nguyễn Phú Trọng thay mặt đảng CS và Nhà nước Việt Nam đã mời ông Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Ông Tập đã cảm ơn nhận lời mời này.
Kết thúc hội đàm, các ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nguồn: TTXVN, vnexpress.net, vietnamnet.vn